Chuyên gia: 1/2 startup thất bại do founder mâu thuẫn, không rõ ràng quyền lợi
(DNTO) - Rủ bạn làm cùng, không rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ…, khiến startup nhanh chóng tan rã vì những quan điểm trái chiều khi vận hành.
‘Tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng’
Ông Eric Hưng Nguyễn, Phó ban Xúc tiến đầu tư, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng thời là CEO Spores Network (hệ sinh thái chuyên rót vốn và hỗ trợ startup blockchain), cho biết việc chọn người đồng sáng lập (founder) khi bắt đầu khởi nghiệp là rất quan trọng.
Với kinh nghiệm của mình, ông Hưng nhìn thấy 1/2 startup thất bại là do hết tiền, không làm được, nhưng 1/2 thất bại do founder mâu thuẫn. Do đó khi các quỹ đầu tư (VC) muốn rót vốn vào startup, họ phải xem founder có những ai, chia sẻ lợi ích như thế nào, ai là người quyết định chính.
“Thật ra nhiều người mới startup rủ bạn làm cùng, không rõ ràng chuyện lợi ích, trách nhiệm với nhau, cứ nói ok bao giờ việc thành thì sẽ không để thiệt thòi. Nhưng không để thiệt như thế nào thì người nghe câu chuyện nghĩ khác, người nói cũng nghĩ khác. Không rõ ràng trên giấy tờ dẫn đến khi việc không thành công cũng cãi nhau, khi việc thành công cũng lại cãi nhau kiểu khác”, ông Hưng chia sẻ.
Vị này cho biết, startup giống như “bigbang event”, chỉ xảy ra 1 lần nhưng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vòng sau. Tức vấn đề của các startup đôi khi không phải câu chuyện “rẽ trái, rẽ phải” mà đau đầu nhất là không rẽ được vì các founder không đồng quan điểm với nhau.
“Gọi vốn cho vòng này nhưng 4-5 người founder phải bốc máy cho nhau, vậy làm sao di chuyển nhanh trong thị trường này”, ông Hưng nói và nhấn mạnh rằng khi chọn founder, kể cả lợi ích, trách nhiệm phải rất rõ ràng với nhau.
“Việt Nam đôi khi còn ngại, còn Tây cơ chế rất rõ ràng vì chắc chắn sẽ có những đoạn ‘diss business’ (bất đồng kinh doanh). Tại sao khung pháp lý, hợp đồng tồn tại để làm gì, để giải quyết ‘diss business’, còn nếu sống với nhau êm đềm đâu có vấn đề gì. Nếu không rõ ràng từ đầu, sau xử lý lại hết sức đau đầu”, ông Hưng nói.
Giải quyết bài toán đúng nhưng phải ‘đáng’
Theo ông Eric Hưng Nguyễn, dù công nghệ đang ở trong mùa downtrend nhưng vẫn có rất nhiều dự án tiềm năng. Thị trường Việt Nam khá mạnh về trục công nghệ, đội ngũ phát triển khá tốt. Trung tâm gia công của thế giới, gia công rất nhanh, rất rẻ nhưng về mặt phát triển thương hiệu, sáng tạo chưa tốt.
“Rất nhiều quỹ đến nói chuyện với tôi và nói rằng rất thích dự án Việt Nam có kết nối địa phương nhưng mang tính quốc tế. Họ thích những founder từ nước ngoài trở về, đã làm cho các tổ chức nước ngoài vì họ cảm thấy có sự chuyên nghiệp, có thể kết nối được, có tiếng nói chung về mặt văn hóa”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo vị này, một dự án, doanh nghiệp tiềm năng là phải đi giải quyết một bài toán của xã hội và xã hội phải trả tiền cho bạn để giải quyết bài toán đó. Ở blockchain web3, startup thường bị đi ngược rất nhiều, tức đội ngũ phát triển nghĩ ra sản phẩm sau đó mới nghĩ đến vấn đề. Nhưng phải nghĩ đến bài toán nhức nhối trong cộng đồng và dùng công nghệ blockchain để giải quyết nó.
“Tức bạn nghĩ ra cái búa, rất hay, có thể giải quyết việc A, B, C, nhưng không ai cần giải quyết việc đó mà bạn tự nghĩ ra. Thay vì ở trong thị trường có vấn đề cần giải quyết và bạn có giải pháp”, ông Hưng nói.
Chưa kể, có nhiều bên đưa đến giải pháp thật, giải quyết vấn đề thật, nhưng khi hỏi về quy mô thị trường thì họ không biết. Quy mô thị trường quá nhỏ sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư.
“Trong khi đối thủ dẫn đầu thị trường đó định giá 5 triệu USD, với VC, họ sẽ tư duy rằng người chơi hoành tráng nhất trong thị trường mới định giá 5 triệu USD, vậy bạn chỉ nắm được 1/10 cho đến 1/2, như vậy định giá startup chỉ có từ 500 nghìn USD – 2,5 triệu USD, do đó sẽ không đủ hấp dẫn, thị trường không đủ lớn. Còn nếu bạn đang giải bài toán cùng với đối thủ gần nhất được định giá 10 tỷ USD, thì VC họ nghĩ nếu bạn có 10% thành công thì bạn cũng đáng giá 1 tỷ USD, bài toán trở nên hấp dẫn”, ông Hưng gợi ý.