Ông Vũ Bá Phú: Không cần lo về sản lượng xuất khẩu, tắc biên vải thiều

(DNTO) - Vải thiều năm nay được mùa nhưng không lo về tiêu thụ vì rất nhiều thị trường quốc tế có nhu cầu với sản phẩm Việt Nam. Điều quan trọng cần tìm cách tăng giá trị của sản phẩm để người dân, doanh nghiệp thu được nhiều tiền hơn trên mỗi kg vải, nhãn bán ra.
Theo Bộ Công thương, năm ngoái, xuất khẩu vải đạt 27,4 triệu USD, giảm 42,3%. Xuất khẩu nhãn đạt hơn 13,8 triệu USD, giảm 40,4%. Năm nay, sản lượng vải thiều tại Bắc Giang niên vụ 2023 ước đạt hơn 180.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay, trong khi thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn.
Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) về bài toán tiêu thụ, điều phối thu hoạch vụ nhãn, vải năm nay.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương). Ảnh: T.L.
PV: Theo ước tính, sản lượng vải thiều năm nay đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn, trong đó kế hoạch xuất khẩu lên tới 55%. Theo ông, kỳ vọng này có khả thi?
- Ông Vũ Bá Phú: Chúng tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải tăng sản lượng xuất khẩu mà tăng giá trị xuất khẩu trên một kg vải nhãn. Bởi thực tế, hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại với vải nhãn thời gian qua được thực hiện khá tích cực, hiệu quả. Từ chỗ Bộ Công thương phải hỗ trợ địa phương thực hiện xúc tiến thương mại, xuất khẩu; cho tới thời gian qua, đặc biệt là năm ngoái đến nay, các địa phương đã rất chủ động.
Nhưng vấn đề, trên cùng một đơn vị sản lượng, chúng ta thu được giá trị gia tăng cao hơn bao nhiêu so với năm trước? Hoạt động quảng bá, giới thiệu, đặc biệt quảng bá về chỉ dẫn địa lý, hình ảnh trái vải, trái nhãn ra sao? Đó là trách nhiệm của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, thậm chí cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Cần lồng ghép trong các hoạt động như ngày Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá qua hệ thống siêu thị ở nước ngoài, các nhà phân phối lớn ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… những thị trường ưa chuộng vải nhãn. Trọng tâm là nhấn mạnh quảng bá chất lượng trái vải, nhãn Việt Nam vượt trội hơn các đối thủ; có vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap, hữu cơ… thì sẽ gia tăng được giá trị trên một đơn vị sản lượng.
Còn về sản lượng, chúng tôi lo rằng không đáng lo ngại về sản lượng tiêu thụ. Bởi ngay cả việc chúng ta làm quảng bá tốt hơn thì nhu cầu trong nước cũng đã rất lớn.
* Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhãn vải. Nhưng việc sầu riêng tắc biên sang Trung Quốc gây lo ngại về điều tương tự xảy ra với nhãn, vải khi loại quả này bước vào đợt thu hoạch chính?
- Nhãn, vải không chỉ đưa sang Trung Quốc theo cửa khẩu Lạng Sơn, mà đưa ra rất nhiều cửa khẩu khác ở Lào Cai, Quảng Ninh.
Chúng tôi cho rằng những hoạt động xúc tiến thương mại vải nhãn nhằm mở đường cho hoạt động xuất khẩu. Còn khi vào vụ chính thức, trái vải thu hoạch chính vào giữa tháng 6, đầu tháng 7; trái nhãn cuối tháng 7, đầu tháng 8. Đặc biệt ở Sơn La, với khối lượng nhãn lớn còn vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Cho nên chúng ta hoàn toàn có thể điều phối được sản lượng xuất khẩu qua biên giới. Vấn đề ở đây là phải tìm được những nhà tiêu thụ, nhập khẩu của Trung Quốc một cách hợp lý, đạt được giá tốt nhất chứ không phải vấn đề lo ngại thông quan qua biên giới Lạng Sơn.

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được gắn QR code để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: T.L.
* Vải thiều Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 30 nước. Bộ Công thương có kế hoạch mở rộng thị trường cho vải, nhãn. Theo ông, việc sản xuất, xuất khẩu cần cải thiện gì ?
- Thị trường truyền thống của vải nhãn Việt Nam xuất khẩu là Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thị trường tiềm năng khác có nhu cầu với sản phẩm này. Hiện nay vải nhãn vẫn chưa chính thức xuất khẩu bằng hoạt động chính ngạch. Các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu, chúng ta còn đang gặp khó khăn.
Ví dụ như các thị trường như Nhật, chúng ta đã xuất khẩu vải nhãn qua nhưng phải xử lý theo chiếu xạ hoặc bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các địa phương trồng nhãn vải như Hải Dương, Hưng Yên, không phải huyện, xã nào, vùng trồng nào cũng đáp ứng được yêu cầu này.
Cho nên yêu cầu đặt ra là với những mô hình trồng đáp ứng được tiêu chuẩn kĩ thuật của thị trường mới, cần có sự hỗ trợ kĩ thuật của các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp, các chuyên gia của tổ chức kiểm định chất lượng. Thậm chí là Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có thể mời chuyên gia phù hợp tại thị trường đó đến Việt Nam, hỗ trợ kĩ thuật cho các hộ nông dân, trang trại, các nhà xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường nước ngoài.
Với các thị trường nhãn vải Việt Nam chưa vào được, Bộ Công thương, Nông nghiệp, Ngoại giao và các cơ quan liên quan phải nỗ lực làm việc với các cơ quan sở tại, đàm phán mở cửa thị trường để xuất khẩu chính ngạch.
Một vấn đề nữa là yêu cầu về chiếu xạ với quả vải, nhãn. Hiện ở miền Bắc chưa có trung tâm chiếu xạ, nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ hoặc một số thị trường yêu cầu chiếu xạ như Bắc Mỹ, lại phải chở sang miền Nam chiếu xạ. Điều này khiến chi phí logistics, vận chuyển, vận tải gia tăng. Vì vậy việc xây dựng trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc để phục vụ các vùng trồng nhãn, vải lớn như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La... là rất quan trọng.
Với các Thương vụ Việt Nam ở Trung Quốc, không chỉ kết nối với các thương nhân bên kia biên giới gần khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… mà còn phải kết nối sâu hơn vào phía Bắc, phía Tây Trung Quốc để giới thiệu, quảng bá vải nhãn vào thị trường này. Bởi nhu cầu 1,5 tỷ dân của nước này vô cùng lớn nhưng thời gian qua chúng ta mới chỉ tiếp cận ngoài rìa biên giới.
Xin cảm ơn ông!