Trung Quốc trồng vải không hạt, vải thiều Việt Nam liệu có chỗ đứng?

(DNTO) - Mặc dù Trung Quốc tăng diện tích trồng vải thiều nhưng nếu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng chất lượng thì không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường khác vẫn rất tiềm năng.

Trung Quốc đang nỗ lực nghiên cứu nhiều giống vải ngon để phục vụ thị trường tiêu thụ lớn trong nước. Ảnh: T.L.
Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), lượng vải thiều thu hoạch lên tới 1,5 triệu tấn/năm, nhãn là 1 triệu tấn/năm. Con số này cao hơn rất nhiều so với sản lượng vải nhãn ước tính thu được của Việt Nam trong năm nay, là 330.000 tấn vải và 110.000 tấn nhãn.
Tuy vậy, do thị trường có lượng dân số gấp 15 lần Việt Nam nên nhu cầu tiêu thụ vải, nhãn của Trung Quốc rất lớn. Đây là thị trường lâu năm của vải thiều Bắc Giang với sức mua lớn, lên tới 80.000 tấn/năm. Tính đến hết ngày 24/5, đã có gần 546 tấn vải thiều Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc từ cửa khẩu Hữu Nghị.
Nhưng, Trung Quốc đang tăng diện tích trồng vải qua mỗi năm. Đặc biệt, nước này đã nghiên cứu thành công giống vải không hạt và đang tiến hành nghiên cứu giống vải thiều to, có mùi thơm như mật ong.
Mặc dù giống vải thiều không hạt cần thêm 2 năm nữa để phổ biến trên thị trường Trung Quốc, nhưng đã dấy lên mối lo cho vải Việt Nam, khi đây là thị trường chiếm trên 30% tổng sản lượng tiêu thụ và trên 90% sản lượng xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam nên ưu tiên thúc đẩy khu vực trồng vải trái to, hạt nhỏ xuất khẩu để cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc nội địa hay vải Thái Lan hoặc các nước khác. Do vải của Trung Quốc hiện đa phần vẫn là vải quả nhỏ nhưng hạt to, màu sắc không đẹp, hương vị kém ngọt thơm hơn. Với nhãn xuất khẩu, giống như trái vải, khách hàng chỉ thích nhãn có hạt nhỏ.
Với nhãn, giống nhãn Ido (thanh nhãn) hạt nhỏ, cơm dày, ít nước, ngọt thơm cũng được các doanh nghiệp xuất khẩu rất nhiều. Loại nhãn này có thể cạnh tranh tốt với hàng Thái, Campuchia. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tiếp tục tận dụng lợi thế vị trí địa lý gần, chi phí logistics rẻ hơn hai nước còn lại. Với các loại nhãn khác, nên tập trung tiêu thụ nội địa, nếu có chế biến cũng chỉ sấy khô.
Cũng theo ông Nguyên, mặc dù Trung Quốc là thị trường truyền thống và có sức tiêu thụ lớn nhưng vải, nhãn Việt Nam đang có định hướng mở rộng thị trường. Tuy vậy, nên có ưu tiên về cước phí máy bay chuyển vải vào trong Nam chiếu xạ và xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc. Nếu được có thể đàm phán với Mỹ xử lý trái vải giống như Nhật Bản, sử dụng Methyl Bromide (thuốc xông hơi khử trùng) để xử lý, thay vì phải chở vào Nam để chiếu xạ.
“Tại Mỹ, Mexico xuất khẩu trái vải sang thị trường này cũng rất nhiều, nhưng hạt to, trái nhỏ, vỏ mỏng. Nếu vải Việt qua được Mỹ sẽ cạnh tranh tốt được với hàng của Mexico và Trung Quốc”, ông Nguyên nói.

Vải thiều Việt Nam được bán tại siêu thị Nhật Bản và có cơ hội đặt chân tới nhiều thị trường khác. Ảnh: T.L.
Với thị trường lân cận như Đài Loan, theo Thương vụ Việt Nam tại Đài Loan, trái vải tươi và nhãn tươi của Việt Nam chưa thể xuất khẩu ngay được vào thị trường này trong một, hai năm tới. Nguyên nhân là do vướng hàng rào kiểm dịch, chưa được phép nhập vào thị trường này.
Thương vụ đề nghị các cơ quan hữu quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội rau quả Việt Nam cần tiếp tục vận động, đẩy nhanh quá trình xem xét, mở cửa thị trường Đài Loan cho trái vải tươi, nhãn tươi của Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu các biện pháp hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường các sản phẩm đã qua chế biến gia công để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải và nhãn vào Đài Loan.
Tại thị trường châu Âu, vải và nhãn là dòng cây nhiệt đới, thơm ngon, ngọt, nhiều nước, có chất dinh dưỡng và vitamin, nên cũng rất tiềm năng. Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết ngoài việc cung cấp đầy đủ bộ giấy tờ làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm các giấy chứng nhận chất lượng, hàm lượng sản phẩm, phương thức canh tác và thu hoạch có tính thân thiện với môi trường, chỉ dẫn địa lý (nếu có) để nêu bật tính chuyên biệt của sản phẩm Việt Nam.
“Hoa quả cũng là mặt hàng đang được người tiêu dùng tăng tiêu thụ, đặc biệt tại các trường học, bệnh viện. Ta cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu hoặc chất bảo quản khi chiếu xạ sản phẩm. Lưu ý cần đảm bảo chất lượng và mẫu mã tươi ngon vì nếu vỏ quả bị thâm thì sẽ không bán được. Ngoài ra, do việc quả tươi sau khi hái sẽ nhanh bị héo, hỏng, doanh nghiệp cần tìm phương thức vận chuyển nhanh nhất, ngắn nhất, nhưng vẫn đảm bảo giá cả cạnh tranh”, bà Yến khuyến nghị.
Trước mắt, Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết đã kết nối thành công mặt hàng vải tươi cho các cửa hàng bán hàng châu Á. Về lâu dài, Thương vụ đang nghiên cứu để tiếp cận với hệ thống siêu thị Áo để tăng số lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ tận dụng các cơ hội có thể để kết hợp với doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại địa bàn phụ trách. Ví dụ như tài trợ cho sự kiện văn hóa do Nhóm các nước Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Liên hợp quốc nhân dịp Hội đồng Phát triển Công nghiệp UNIDO họp vào đầu tháng 7 năm 2023.
Sản phẩm vải tươi Việt Nam đã được xuất khẩu tới 30 thị trường: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước, bước đầu xuất khẩu sang Nhật Bản và EU.