Những thách thức mới đến từ thị trường châu Âu – châu Mỹ
(DNTO) - Thị trường truyền thống và chiếm tỷ trọng hơn 40% hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới, tạo ra những rào cản mới với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ giảm đến 9,6%, giảm mạnh hơn so với mức giảm trung bình (6,6%). Bước sang năm 2024, sự phục hồi của nhiều thị trường lớn đã kéo tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trở lại.
Trong quý đầu năm, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam tại châu Mỹ, đạt 25,77 tỷ USD, tăng tới 24,2%, là mức tăng tuyệt đối cao nhất so với cùng kì từ trước tới nay.
Tại châu Âu, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4%, vượt qua cả Trung Quốc và ASEAN.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, cho biết về dài hạn, thị trường châu Âu châu Mỹ rất giàu tiềm năng khi Việt Nam đang có 16 hiệp định thương mại tự do với khu vực này. Dấu hiệu hồi phục khu vực này tuy yếu nhưng đang có xu hướng tăng dần.
Thắng lợi của Việt Nam trong phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu trong năm 2023 và những năm tới tiếp tục đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn ra khỏi Trung Quốc. Và Việt Nam có thể hưởng lợi tới 30% từ việc dịch chuyển này.
“Chúng tôi ấn tượng với tỉnh Bắc Giang trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu. Mặc dù các nhà đầu tư vào Bắc Giang đến từ Trung Quốc, Đài Loan, nhưng theo hàng chục tỷ USD theo đơn hàng, chỉ thị của nhà đặt hàng là các công ty Mỹ, không phải họ xuất ngược về Đài Loan hay Trung Quốc”, ông Dương chia sẻ.
Tuy vậy, vị này nhận định, thị trường trong 3 tháng đầu năm đã khởi sắc, nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó dự đoán. Bởi lẽ, trong 5 năm qua, cả thế giới nghèo đi qua dịch bệnh Covid-19, kể cả những người giàu. Do đó nhu cầu tiêu dùng của thế giới cũng kém đi. Hệ lụy của nó là xuất khẩu Việt Nam sang thị trường châu Âu châu Mỹ giảm trung bình 12-15%. Trong đó nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, thâm hụt lao động như dệt may, giày dép, thì việc trả lương và duy trì thu nhập cho người lao động là vấn đề nan giải.
“Việt Nam giữ nền kinh tế ổn định, vượt được những ‘cơn gió ngược’ 2023, nhưng với những người theo dõi kinh tế chính trị thế giới, những cơn gió ngược vẫn còn, chưa biết xuất phát từ hướng nào, phương nào”, ông Dương nói.
Vị này phân tích, nguy cơ những “cơn gió ngược” đến từ xung đột địa chính trị không chỉ ở châu Âu mà còn lan sang Trung Đông, châu Phi, tác động trực tiếp đến giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chi phí logistics.
Chi phí logistics từ Việt Nam sang châu Âu từ đầu năm đến nay tăng 30%. Bởi muốn sang châu Âu, con đường ngắn nhất là qua Địa Trung Hải. Nhưng khi xung đột ở khu vực này lan rộng, đánh phá bến tàu, chuyến hàng, buộc các chủ tàu phải đi theo lối Mũi Ảo Vọng, khiến chi phí tăng thêm 30%, thời gian kéo dài thêm khoảng từ 10 ngày đến 2 tuần.
Thị trường xuất khẩu vào châu Âu bị ảnh hưởng lớn nhất là Việt Nam, đơn hàng bị giãn ra, chi phí đàm phán lại, giá thành rẻ đi... Đồng USD tăng mạnh trong thời gian gần đây, tỷ giá lên khiến doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp mất thêm 5-10%.
Đặc biệt, theo vị Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, khó khăn hơn cả là sau các cuộc khủng hoảng và sau thời điểm chững lại, cơ cấu lại nền kinh tế thế giới sẽ mang theo nhiều thách thức mới. Đó là các yêu cầu hơn cả thương mại là yêu cầu phát triển bền vững.
Đó là yêu cầu sản phẩm, bao bì sản phẩm, sau đó là quyền của người lao động, tiếp theo là yêu cầu nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản phẩm đó. Yêu cầu ngày một đi lên. Điều này buộc nhà sản xuất, nhà chức trách Việt Nam phải thay đổi tư duy quản trị, điều hành và sản xuất để thích ứng với các yêu cầu mới.
“Chúng tôi rất quen thuộc với sản phẩm của các địa phương. 20 năm trước đây, khi tôi bước chân vào ngành thương mại, tôi từng cấp giấy C/O cho các lô hàng quế, hoa hồi đi châu Âu, Mỹ... đến ngày hôm nay nó vẫn thế, có thể quy mô hơn, trình độ sản xuất tốt hơn, công nghệ tốt hơn. Để tạo bứt phá trong xuất khẩu thì không nên để ý tới từng mặt hàng nữa, chúng ta phải để ý đến ngành hàng. Bắc Giang đang làm rất tốt việc này”, ông Dương chia sẻ.