Những khoảng trống trên thị trường xuất khẩu
(DNTO) - Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh, đã xuất khẩu thành công vào nhiều thị trường trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa thể chiếm lĩnh được các thị trường này.
Thị phần hàng Việt còn rất nhỏ
Khu vực châu Á – châu Phi là thị trường quan trọng của Việt Nam, thường chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết các mặt hàng nông sản, trái cây nhiệt đới Việt Nam được nhiều thị trường khu vực châu Á – châu Phi ưa chuộng.
Ví dụ trái vải thiều Bắc Giang, năm 2023, trong tổng số hơn 110 nghìn tấn xuất khẩu, chủ yếu xuất sang khu vực này như Trung Quốc chiếm 90%, các thị trường khác như Úc, UAE, Đài Loan, Đông Nam Á...
Hay trái xoài, nhãn của Sơn La, mặc dù nhiều nước đã trồng với diện tích lớn nhưng vẫn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng trái cây này để xuất khẩu sang thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông do xoài Sơn La có ưu điểm về giá cả, mùi vị, mẫu mã. Trong khi đó đối thủ cạnh tranh chính là xoài Thái Lan thì mùa vụ tương đối ngắn.
Tuy nhiên, một số mặt hàng trái cây khác dù có thế mạnh nhưng chưa khai thác hết dư địa thị trường. Như mặt hàng chuối, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu gần 1 tỷ USD giá trị về chuối, nhưng Việt Nam mới xuất khẩu 15 triệu USD sang thị trường này, chiếm 1,56% thị phần. Hàn Quốc nhập khẩu 300 triệu USD chuối nhưng Việt Nam cũng mới chỉ xuất khẩu 36 triệu USD, chiếm 12% thị phần.
Đối với sản phẩm chè, xuất khẩu quý đầu năm nay cũng có khởi sắc nhưng thị phần chè Việt tại một số thị trường tiêu thụ chính vẫn hạn chế. Ví dụ với thị trường Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu 146 triệu USD giá trị chè nhưng Việt Nam mới cung cấp được 5 triệu USD. Pakistan mỗi năm nhập khẩu 160 triệu USD giá trị chè, chủ yếu chè đen nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 20 triệu USD. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với một số mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ.
Ông Hưng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc sản xuất, chế biến hàng nông sản của ta chưa đảm bảo, dẫn đến việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm các tiêu chuẩn của thị trường còn rất phổ biến.
“Chúng tôi tiếp xúc với nhiều nhập khẩu chè của Pakistan, họ nói rằng nhiều lô chè Việt Nam đưa sang thị trường này đều phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu quá quy định. Hay Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng tôi thống kê mỗi năm có hơn 100 vụ lô hàng nông sản, trái cây Việt Nam bị trả về do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kể cả việc vi phạm quy định về bao gói, nhãn mác của các thị trường cũng phổ biến”, ông Hưng nói.
Không chỉ là khó khăn đảm bảo đồng đều chất lượng, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết nông sản của ta đa dạng nhưng sản lượng tại mỗi tỉnh lại không đủ đáp ứng các đơn hàng lớn của các nhà nhập khẩu quốc tế, đặc biệt nhà nhập khẩu ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Trong khi đó sự liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa được chú trọng giữa các tỉnh trong vùng.
Mỗi địa phương cần có công ty chuyên xuất nhập khẩu
Khoảng trống trên thị trường xuất khẩu còn khá lớn một phần đến từ công tác xúc tiến thương mại chưa được lãnh đạo địa phương quan tâm sâu sát và dành nhiều nguồn lực. Ông Phú dẫn chứng, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương hiện được phân bổ rất thấp, thường chỉ vài tỷ đến 10 tỷ đồng/năm, rất nhỏ so với tiềm năng và nhu cầu. Ngoài ra, nhân sự dành cho hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Để tạo thuận lợi tốt hơn trong việc tiếp cận các thị trường, vị này kiến nghị lãnh đạo của các địa phương quan tâm dành nguồn lực (kinh phí, nhân sự) cho hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng, chia theo các nhóm sản phẩm như gỗ, chè, quế, chuối...
Ngoài ra, ông Phú khuyến nghị các địa phương nên quan tâm, có cơ chế hình thành công ty, tập đoàn chuyên doanh, chuyên xuất nhập khẩu. Bởi thực tế, thời gian quan, các địa phương đặt ra yêu cầu rất cao với Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ trong việc kết nối với các nhà mua hàng quốc tế. Tuy nhiên khi các nhà mua hàng vào Việt Nam, họ không biết làm việc với ai.
"Nông dân hay các chủ trang trại không thể làm việc với nhà nhập khẩu nước ngoài. Hay các công ty của địa phương nhỏ lẻ, không đủ sản lượng để cung cấp đủ đơn hàng. Chính vì vậy, mỗi địa phương, mỗi tỉnh thậm chí cả vùng phải có cơ chế hình thành các công ty xuất nhập khẩu lớn. Thời bao cấp đã có công ty xuất nhập khẩu, ngoại thương cấp tỉnh và cấp địa phương nhưng sau thời gian không còn nữa. Nhưng nhu cầu hiện tại cần có công ty xuất nhập khẩu như vậy thì mới thực hiện hoạt động ngoại thương chuyên nghiệp, tránh tình trạng các nhà mua hàng, công ty đa quốc gia thao túng thị trường bằng các hợp đồng mua hàng trước”, ông Phú nói.
Cho rằng khoảng trống thị trường xuất khẩu là do doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, thiếu những kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đề nghị địa phương xây dựng các danh sách doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nông sản, trái cây trên địa bàn đủ năng lực xuất khẩu gửi về Bộ Công thương để chúng tôi thuận lợi kết nối với các nhà nhập khẩu. Danh sách doanh nghiệp cần có đủ thông tin cần thiết như thư ngỏ, catalogue, tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, thông tin cán bộ, đầu mối bán hàng bằng ngôn ngữ phù hợp.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị hỗ trợ xuất khẩu nhưng khi tiếp xúc làm việc với doanh nghiệp, nhiều nơi chưa có tờ rơi, brochure giới thiệu hay chưa có website. Nếu thiếu các thông tin đó, chúng tôi không thể hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp nước ngoài được”, vị này nói.