Lý do doanh nghiệp dệt may dồi dào đơn hàng nhưng không dám nhận
(DNTO) - Đơn hàng dệt may trở lại dồi dào nhưng đơn giá thấp, thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng khiến doanh nghiệp dệt may phải cân nhắc khi lựa chọn và thực hiện các hợp đồng sản xuất.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết năm 2023 được xem là năm khó khăn nhất trong mấy chục năm của ngành, khi tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm tới 10,9%, chỉ đạt 39,5 tỷ USD. Dệt may dành năng lực sản xuất 85-86% phục vụ xuất khẩu, phục vụ nội địa chưa tới 15%.
Đơn hàng ít đi chưa phải là khó khăn lớn nhất, theo ông Cẩm, việc giá giảm sâu từ 20-30%, thậm chí có đơn hàng giá giảm 50% mới là lý do khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. “Không ai có thể tưởng tượng được. Khi có đơn hàng thì giá nào cũng kí để duy trì sản xuất, có việc làm cho người lao động, thậm chí phải trích lập dự phòng trước đây để sử dụng hết, chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động vì với ngành dệt may lao động là vốn quý nhất”, ông Cẩm nói.
Rất may, quý đầu năm 2024, đơn hàng đã trở lại dồi dào hơn với ngành. Giá thành đã có xu hướng tăng lên nhưng vẫn chưa trở lại như mong muốn, vẫn thấp hơn so với mức trung bình.
“Từ trạng thái cái gì cũng nhận, cái gì cũng làm thì bây giờ chúng tôi có sự lựa chọn. Tức doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn có nên kí hay không, kí bao nhiêu, không nên kí nhiều quá vì trong điều kiện giá thấp như hiện nay nếu kí nhiều quá là ốm. Các doanh nghiệp trong trạng thái kí đủ làm, dư một chút. Đa phần các doanh nghiệp kí đến quý 3, thậm chí có doanh nghiệp kí hết quý 3, nhưng dài hơi hơn cần hết sức thận trọng. Chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên liên kết với nhau để có thể chia sẻ với nhau thông tin. Khách hàng luôn muốn kí với nơi rẻ nhất, không được chỗ này họ sẽ đến chỗ khác. Nhưng nếu mình làm vậy thì lại là hỗ trợ họ chạy đua đưa giá xuống đáy”, ông Cẩm cho biết.
Trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 9,54 tỷ USD, tăng trở lại 9,6% so với cùng kì năm trước, nhưng so với năm 2022 vẫn chưa bằng. Ngành dệt may đặt ra mục tiêu năm 2024 xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong điều kiện không biến động lớn. Nhưng ông Cẩm cho rằng năm 2024 chưa phải một năm khởi sắc của ngành do vẫn còn ảnh hưởng nối tiếp của năm ngoái.
Năm 2023 làm cho các doanh nghiệp sức khỏe rất yếu nên đầu năm 2024 rất nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì không trụ vững, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra còn rất nhiều ảnh hưởng, biến động từ kinh tế thế giới, các cuộc xung đột địa chính trị cũng ảnh hưởng đến khả năng thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may.
Các doanh nghiệp dệt may mặc dù kí hợp đồng theo dạng FOB (giao hàng đến tàu), nhưng khi khách hàng phải chịu tăng phí vận chuyển thì họ gây áp lực giá với các đơn hàng sau, thậm chí yêu cầu ngay cả đơn hàng đó phải chia sẻ với họ. Để duy trì quan hệ bạn hàng lâu năm, doanh nghiệp dệt may buộc phải chia sẻ với họ. Vì tàu biển phải đi qua mũi Hảo Vọng do căng thẳng ở Biển Đỏ nên thời gian vận chuyển tăng thêm vài tuần, thời gian sản xuất bị co lại. Điều này tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho biết, khó khăn lâu dài vẫn là yêu cầu của các thị trường khó tính với rất nhiều thay đổi. Ví dụ EU đưa ra chiến lược dệt may bền vững, từ khâu thiết kế yêu cầu phải thiết kế sinh thái, sản xuất cho đến tiêu dùng cũng phải chứng minh được tính bền vững, yêu cầu tái chế hàng thải bỏ, kể cả hàng tồn kho cũng phải có trách nhiệm tái chế.
Rất nhiều nhãn hàng yêu cầu các nhà sản xuất chuyển 30% lượng điện đang sử dụng sang dùng điện tái tạo đến năm 2030 và đến 2050 là 100%. Đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất có lộ trình rõ ràng để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng này, nếu không thể lắp đặt hệ thống điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon. Tất cả những điều này đều tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết, đơn hàng năm 2024 không thiếu nhưng ngành dệt may vẫn đang thiếu lao động. Bởi nửa đầu 2023, gần 80.000 lao động trong ngành dệt may mất việc làm. Rất nhiều người trong số đóvề quê hoặc tìm các công việc mới và không quay lại. Các địa phương hiện cũng có chính sách tuyển lao động đi hợp tác lao động cũng thu hút nhiều lao động. Nhiều chính sách khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... cũng tạo ra những biến động lao động.
Đại diện Hiệp hội Dệt may kiến nghị, Nhà nước đã có chính sách 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực thi chính sách này để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hoặc một vùng sản xuất, tránh tình trạng dịch chuyển lao động như hiện nay.
Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) qua các ngân hàng thương mại nên chuyển sang quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh vì các doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh cần rất nhiều nguồn lực, từ chuyển đổi máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực, thay đổi cách quản trị vận hành... đều là những chi phí rất lớn.
“Các doanh nghiệp đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh hiện nay đều là những doanh nghiệp không đến nỗi yếu nên không sợ bị mất vốn”, ông Cẩm nói.