Giữ vững trận địa xuất khẩu tỷ USD
(DNTO) - Dù xuất nhập khẩu đã có mức phục hồi ấn tượng trong quý đầu năm, nhưng kinh tế thế giới biến động khó lường, Việt Nam cần theo dõi sát sao thị trường để có thích ứng phù hợp.
Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã mang đến nhiều hơn đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ vậy, trong quý đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Đáng mừng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức tăng trưởng này cao gần gấp đôi mức tăng trưởng 13,9% kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Điều này cho thấy năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa đang dần cải thiện và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm sang các nước. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với hàng loạt quốc gia trong thời gian qua, từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và gần đây là Nhật Bản, Úc… là cơ hội vô cùng lớn để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với các nước này.
“Có nhà đầu tư nói với tôi rằng có lẽ trên thế giới khó tìm được một nước nào như Việt Nam. Vì làm ăn ở Việt Nam là có thể làm ăn với tất cả các cường quốc trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ukraine hay Israel, Palestin. Vị trí của Việt Nam trên thị trường ngoại giao có thành công rực rỡ trong thời gian qua là bệ đỡ vô cùng tốt cho những doanh nghiệp có hoạt động thương mại quốc tế”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, Việt Nam đang tăng tốc đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng. Chỉ trong 2 năm qua, số lượng đường cao tốc ở Việt Nam tăng rất nhanh. Thông thường sau khoảng thời gian đầu tư vào hạ tầng, kinh tế sẽ phát triển tốt về giao thương, thương mại, dịch vụ. “Chúng ta thấy khi sân bay Điện Biên kéo dài, máy bay cỡ lớn có thể hạ cánh thì du lịch, dịch vụ phát triển rất nhanh. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế tư nhân”, vị này lấy ví dụ.
Điểm quan trọng thúc đẩy kinh tế là việc Việt Nam thông qua nhiều đạo luật như Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật giao dịch điện tử… Tinh thần chung của các Đạo Luật này là khắc phục những khó khăn, bất cập trong thời gian qua theo hướng thủ tục hành chính thuận lợi hơn, phân cấp nhiều hơn, nhà đầu tư và doanh nghiệp dễ dàng thông qua hơn.
“Mặc dù một số đạo luật đến 1/1/2025 mới có hiệu lực nhưng Chính phủ đang quyết tâm kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để đưa các đạo luật đó thực thi sớm hơn từ 1/7/2024. Nếu điều này thành hiện thực, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Hiện nay quy mô trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Mặc dù cơ sở hạ tầng cơ sở biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng vận tải, logistics, công nghệ. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, vẫn có vấn đề chưa giải quyết được.
Điển hình là việc khai thác tuyến đường sắt liên vận, container quốc tế với Trung Quốc, nối ASEAN sang Việt Nam, Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu. Thông lệ hàng năm, chúng ta vẫn sử dụng các tuyến đường bộ và xảy ra nhiều ách tắc, trong khi tuyến đường sắt liên vận hoàn toàn có thể xử lý tình trạng này, nhưng các doanh nghiệp chưa khai thác nhiều.
Theo vị này, cần có cơ chế ưu đãi đột phá, đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư rót vốn xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, gồm các khâu trong chuỗi logistics như kiểm hóa hàng hóa, đại lý hải quan, tổ chức xuất khẩu... tập trung ở khu vực biên giới đất liền. Khi có các trung tâm logistics này sẽ tránh tình trạng hàng hóa từ khu vực Tây Nam Bộ ra biên giới phía bắc bị ùn ứ, ách tắc trong thời gian qua. Hay trường hợp như hàng hóa tỉnh Sơn La phải chạy xuống Quảng Ninh để giữ hàng, khi không có trung tâm logistics để trữ hàng lớn khu vực biên giới.
Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian vừa qua, chúng ta mới tập trung mặt hàng truyền thống với các thị trường truyền thống. Nhưng có những mặt hàng như măng (măng tươi, măng khô), quế, hồi, hoàn toàn có thể xuất khẩu được.
“Chúng tôi rất mong muốn đưa được mặt hàng ngách đến thị trường ngách. Tuy vậy để sản phẩm ngách đủ số lượng và chất lượng đáp ứng các đơn hàng của nhà nhập khẩu thì các địa phương phải thực hiện tốt việc liên kết vùng”, bà Mai Linh nói.