Doanh nghiệp lâm, thuỷ sản đề xuất tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay lên 6 tháng
(DNTO) - Đại diện các doanh nghiệp lâm, thuỷ sản cho rằng, tồn kho hiện nay không chỉ 3 tháng mà có thể lên tới 6 tháng, tạo áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay. Kiến nghị ngân hàng tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay lên 6 hoặc 9 tháng, đồng thời, xem xét tăng tỉ lệ thế chấp của doanh nghiệp.
Mới đây, giới phân tích dự báo, phải đến nửa cuối năm 2024 nhu cầu cá tra mới có thể phục hồi, dựa trên dự báo CPI thực phẩm tại Trung Quốc sẽ bắt đầu cải thiện từ nửa cuối 2024 nhưng trễ một quý. Điều này do năng lực cạnh tranh của cá tra không cao so với các loài thủy sản khác nên cần thêm thời gian để phục hồi.
Theo đó, tình trạng xuất khẩu khó khăn trong năm 2023 đã tạo áp lực giảm giá cá nguyên liệu xuống dưới mức giá thành nuôi trồng khoảng 1.000 - 2.000 VND/kg từ cuối quý 2/2023. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết quý 2/2024 do nhu cầu cá tra tại các thị trường phục hồi chậm sẽ chưa thể thúc đẩy giá cá nguyên liệu phục hồi. Kết hợp với chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng, chính vì vậy nguồn cung cá tra có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024.
Còn với xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024 (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng XK tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố về việc tôm Việt Nam có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ, dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%. Từ động thái này, giới chuyên gia cho rằng tôm Việt sẽ còn đối mặt khó khăn mới đầy phức tạp. Bởi Mỹ là thị trường quan trọng xưa nay của ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt nói chung. Với kết quả phán quyết thuế sơ bộ từ DOC sẽ càng làm ì ạch sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường Mỹ.
Điều này ảnh hưởng đến các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành thủy sản Việt. Nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu không như thời hoàng kim, các doanh nghiệp trong ngành đối mặt nhiều khó khăn quá lớn từ khâu nuôi, chế biến cho tới thị trường tiêu thụ với mối lo suy giảm sức cạnh tranh từ rào cản thương mại cho đến những rào cản khác.
Nhìn vào tình hình của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện nay sẽ thấy, chi phí đầu vào đang có dấu hiệu tăng lên. Giá tôm nguyên liệu và cá tra nguyên liệu đang bắt đầu hồi phục khi hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại. Chi phí vận chuyển tăng do căng thẳng kéo dài tại Biển Đỏ.
Đáng chú ý là phần lớn các doanh nghiệp thường sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, điều đó đồng nghĩa với việc bên nhập khẩu sẽ chịu toàn bộ chi phí vận chuyển. Như vậy việc chi phí vận chuyển tăng mạnh sẽ làm giảm động lực mua hàng của các thị trường nhập khẩu. Điều đó đã tác động tiêu cực lên doanh thu hoặc giá bán của các doanh nghiệp thủy sản Việt.
Tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD”, chiều 12/4, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa, cho hay sản phẩm hàng hóa của công ty chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, nhưng 2 thị trường này gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao. Vì thế, vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng, nên việc được ưu đãi về lãi suất đã giúp doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí tài chính.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm, thủy sản, cho hay trước đây, các khoản vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu là 3 - 5 tháng phải đảo vay một lần. Thế nhưng, tồn kho hiện nay không chỉ 3 tháng mà có thể lên tới 6 tháng, rất nhiều doanh nghiệp tồn kho trong thời gian dài đang gặp áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay này.
“Rất mong ngân hàng tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay lên 6 hoặc 9 tháng, có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt như đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là chính sách tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, hoặc cho vay từ khoản phải thu trên đơn hàng. Đồng thời, xem xét tăng tỉ lệ thế chấp của doanh nghiệp", các doanh nghiệp kiến nghị.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, qua khảo sát sơ bộ của VASEP, các doanh nghiệp thủy sản, các cơ sở nuôi, bảo quản…. mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp - phù hợp (cả USD và VND), cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.
"Đề nghị các ngân hàng xem xét các điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Trong đó, tỉ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói tín dụng hỗ trợ ngành lâm, thuỷ sản 15.000 tỷ đồng vừa qua”, VASEP đề xuất.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp ngành hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Các ngân hàng cần mạnh dạn hơn trong việc tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, linh hoạt trong vấn đề tài sản thế chấp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi được vốn. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay", Phó Thống đốc nói.
Ông Tú thông tin, đến cuối tháng 1/2024, các ngân hàng đã giải ngân 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng xem xét việc nâng quy mô thành gói 30.000 tỷ đồng và đã nhận được sự đồng thuận.
"Thậm chí tới đây nếu hết 30.000 tỷ đồng, tôi sẵn sàng đề xuất 45.000 tỷ đồng thậm chí 50.000 tỷ đồng, nhằm tạo cú huých cho các doanh nghiệp lâm sản, thuỷ sản vượt qua những khó khăn hiện nay”, ông Tú nhấn mạnh.