Kỷ lục xuất khẩu 2024: Mừng nhưng chưa hết lo
(DNTO) - Mặc dù xuất nhập khẩu năm qua cán đích gần 800 tỷ USD nhưng chưa thực sự bền vững do vẫn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Khi các doanh nghiệp nội địa chiếm thế thượng phong, lúc đó những thành quả xuất nhập khẩu mới vững chắc.
Năm 2024 khép lại với những thành quả ấn tượng từ xuất nhập khẩu - một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu đề ra, theo Bộ Công thương. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Dẫu vậy, khi phân tích sâu vào những con số có thể thấy xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững. Phần lớn thành quả xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI mang lại, đạt 290,94 tỷ USD, chiếm trên 71%. Nhưng cuộc chơi của khối FDI hiện nay vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa thể bước vào chung sân chơi với họ. Đó là lý do khối doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp gần 29% vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chưa kể, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến như dệt may, da giày, điện tử vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đơn cử như xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của Việt Nam đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sự bứt phá này chủ yếu đến các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, Foxconn hay DBG Technology (một trong những công ty sản xuất điện thoại cho Xiaomi).
Hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực phần nhiều còn dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế. Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các doanh nghiệp FDI mang lại; cán cân thương mại của doanh nghiệp trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của ta còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Nếu xuất khẩu Việt Nam không nhanh chóng khai mở các ngách mới tại các thị trường đó, hoặc khai mở các thị trường mới thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Ở chiều ngược lại, với một số thị trường châu Á, chúng ta chủ yếu nhập siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn. Điều này có thể khiến cán cân xuất nhập khẩu của ta với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU mất cân bằng, tạo nên nguy cơ áp thuế cao hơn.
Những vấn đề nội tại của xuất khẩu chính là vấn đề chính sách cần giải quyết. Chúng ta đã qua thời kỳ thu hút càng nhiều dòng vốn FDI càng tốt. Ở thời điểm hiện tại, cần thu hút FDI một cách có chọn lọc, nhất là chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Muốn khối FDI để lại giá trị tại Việt Nam nhiều hơn cần các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, thậm chí ràng buộc các doanh nghiệp FDI thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh sự ràng buộc từ chính sách, bản thân doanh nghiệp nội địa phải lớn để trở thành lựa chọn ưu tiên của các tập đoàn nước ngoài khi tìm nhà cung ứng. Họ cũng cần những chính sách đặc thù để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2025, các chuyên gia dự báo bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm. Xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.
Các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Những xu hướng mới như kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục làm thay đổi dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu... và dự báo sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.
Vì vậy, việc tăng cường nội lực là rất quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể vững vàng chống chọi với các biến động kinh tế toàn cầu. Trong năm ngoái, nhà chức trách rất nỗ lực trong việc gỡ nút thắt cho nhiều chính sách. Năm 2025, doanh nghiệp hi vọng cải cách thể chế tiếp tục mạnh mẽ hơn và lan tỏa nhanh hơn vào trong đời sống kinh tế, xã hội.