Hoa Kỳ có thể điều tra lịch sử 15 năm của doanh nghiệp trong các vụ phòng vệ thương mại
(DNTO) - Việc doanh nghiệp chủ động lưu trữ hệ thống sổ sách kế toán, có hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp ngành hàng giảm thiệt hại trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại gia tăng từ phía Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ có thể tăng “đòn” phòng vệ thương mại
11 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, số vụ phòng về thương mại từ Hoa Kỳ với hàng xuất khẩu Việt Nam có chiều hướng tăng theo.
Riêng năm 2024 hiện đã có 11 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 70 vụ việc phòng vệ thương mại với Việt Nam, là thị trường khởi xướng nhiều vụ việc nhất, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc.
Các chuyên gia nhận định doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể đối diện với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại gia tăng, đặc biệt trong thời kỳ Trump 2.0. Vì vậy, cần chuẩn bị quy trình ứng phó với các tình huống này.
Tại tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời” hôm 27/12, bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương lưu ý với những ngành sản xuất có tính cạnh tranh cao như pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm… cần tìm hiểu kĩ lưỡng đặc thù ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
“Nếu ngành sản xuất trong nước của họ mạnh, có nhu cầu bảo hộ cao thì cần lưu ý vì họ có thể nộp đơn kiện phòng vệ thương mại với ta. Hoặc nếu họ đã có tiền lệ nộp đơn kiện với ta thì cần hết sức cảnh giác. Vì không phải họ chỉ điều tra một biện pháp mà với ngành pin năng lượng mặt trời, chúng ta đã bị điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong trường hợp biện pháp điều tra áp dụng ban đầu có mức thuế thấp hoặc không bị áp thuế thì rủi ro vẫn còn tồn tại”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Vị này lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ quy định của thị trường sở tại, đặc biệt tránh hành vi tiếp tay lẩn tránh, gian lận xuất xứ vì sẽ bị trừng phạt rất nặng. Khi đầu tư cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách sử dụng nguyên liệu tại chỗ hoặc nhập khẩu từ những nước không bị điều tra.
Nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vì khi vụ việc điều tra xảy ra chúng ta sẽ cần nhiều thời gian chờ đợi, khó khăn xuất khẩu mặt hàng khác hoặc thậm chí mất luôn thị trường. Nên cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá, bởi nếu sản phẩm cứ giảm giá có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá. Doanh nghiệp cần lưu trữ hệ thống sổ sách kế toán, có hệ thống truy xuất nguồn gốc để xuất trình tài liệu chứng minh trong vụ việc điều tra.
“Hoa Kỳ họ yêu cầu lưu trữ tài liệu tối thiểu 5 năm trong các vụ việc điều tra lẩn tránh. Thậm chí trong các vụ trợ cấp, họ điều tra theo vòng đời sản phẩm, có vụ việc lên tới 15 năm, đồng nghĩa chúng ta phải xuất trình tài liệu lên tới 15 năm”, bà Ngọc lưu ý.
Tính chủ động, hợp tác là điểm cộng
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết các mặt hàng bị Hoa Kỳ điều tra ngày càng đa dạng, từ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn cho đến mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chỉ 11 triệu USD.
Hiện nay, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại được giao cho 2 cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ là Bộ Thương mại (điều tra về biên độ phá giá và trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế (điều tra về tự vệ và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi bị điều tra cũng phải dàn trải nguồn lực trên cả 2 mặt trận, dẫn đến gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và điều tra.
Ở góc độ địa phương có 14 doanh nghiệp FDI sản xuất pin mặt trời, tổng vốn giải ngân lên tới 2 tỷ USD, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết từ 2021 đến nay, các doanh nghiệp pin năng lượng mặt trời tại địa phương rất khó khăn khi đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại. Đặc biệt với các cuộc điều tra gần đây đã khiến sản lượng doanh nghiệp sụt giảm rõ rệt, có doanh nghiệp giảm trên 50% sản lượng, trong khi nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics tăng cao.
“Các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ phụ trách sản xuất, mọi thông tin phải báo cáo về tập đoàn, nhà đầu tư ở nước bạn, sau đó mới có quyết định hợp tác cơ qun chức năng. Vì vậy mỗi một lần trao đổi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Toản nói.
Bên cạnh chính sách siết chặt từ thị trường xuất khẩu, ông Toản cho biết một số doanh nghiệp vẫn coi nhẹ việc ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Địa phương này đã có rất nhiều giải pháp như mời Cục Phòng vệ thương mại về tập huấn, hỗ trợ nhưng đa phần doanh nghiệp chỉ cử trợ lý, đại diện người Việt Nam đến, nên khi triển khai các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế còn khó khăn.
“Ngay cuộc điều tra mới đây, chúng tôi phải tổ chức 5 cuộc làm việc với Cục Phòng vệ thương mại để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, kê khai như thế nào, trả lời ra sao”, ông Toản nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang không phân biệt đối xử, đều hỗ trợ bình đẳng doanh nghiệp trong mọi hoạt động, tuy nhiên, doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất một cách nghiêm túc để phòng tránh việc sử dụng một phần nguyên liệu từ quốc gia khác.