Dệt may Việt hưởng lợi nhờ đơn hàng chuyển dịch từ Bangladesh, nhưng kết quả này không kéo dài lâu
(DNTO) - Năm 2024, Việt Nam hưởng lợi nhờ đơn hàng chuyển dịch từ Bangladesh, giúp ta vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Nhưng đại diện Vinatex cho biết các nước đối thủ sẽ tăng xuất khẩu trở lại.
Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 25/12, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới. Đại diện Vinatex dẫn chứng, ngay sau Việt Nam là Ấn Độ, xuất khẩu dệt may cũng chỉ tăng trưởng từ 6,9-7%. Mặc dù Ấn Độ cũng là nước có dòng sản phẩm và lợi thế địa lý rất gần Bangladesh nên cũng hưởng lợi nhiều nhất bởi xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh trong năm vừa qua.
Còn đối với Trung Quốc, sau 11 tháng xuất khẩu dệt may thu về khoảng 273,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy với mặt hàng may mặc, Trung Quốc mới xuất khẩu được 144 tỷ USD (giảm 2,8%), còn mặt hàng dệt sợi (là thế mạnh của Trung Quốc) xuất khẩu được 129 tỷ USD, tăng 3,7%.
Vì vậy, theo ông Cầm, “đối thủ” mạnh nhất của Việt Nam là Bangladesh. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh, sau 10 tháng xuất khẩu dệt may của nước này giảm 3,7% so với cùng kỳ và xuất khẩu mới thu về được 27,7 tỷ USD. Như vậy, mỗi tháng nước này xuất khẩu từ 2,8-3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức đỉnh cao năm 2022 (mỗi tháng xuất khẩu trên 4 tỷ USD).
Tuy vậy, vị này nhận định kết quả trên có thể chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian. Bởi qua theo dõi tại Mỹ và EU, xuất khẩu của Bangladesh đang có phục hồi về thị phần trong tháng 9 và tháng 10, do vậy, khả năng Bangladesh sẽ sớm phục hồi xuất khẩu dệt may (nếu theo kịch bản bình thường sẽ phục hồi sau quý 2/2025) lúc đó sự cạnh tranh gay gắt sẽ quay lại.
Bangladesh được hưởng lợi nhờ ưu đãi thuế quan cho nước kém phát triển. Còn Việt Nam lại bất lợi do chi phí lao động trong ngành dệt may cao gần gấp 3 lần họ. Dù biến động chính trị đang ảnh hưởng đến Bangladesh, nhưng nước này cũng phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh, bởi dệt may là ngành đóng góp ngoại tệ xuất khẩu lớn của họ.
“Về dài hạn, năm tới sẽ không còn nhiều dư địa khai thác đơn hàng dịch chuyển từ nước này. Chưa kể phần lớn đơn hàng chảy về từ năm tới sẽ không còn nhiều dư địa khai thác, nguồn hàng dệt may đều có giá trị không lớn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt tập trung khai thác các đơn hàng giá trị cao”, ông Cẩm cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết dù được hưởng lợi do sự dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh nhưng năm 2024 đơn hàng ngành may chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, chất lượng, thời gian giao hàng nhanh.
“Đặc biệt đơn giá ngành may vẫn ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.
Bên cạnh những điểm đặc biệt về đơn hàng, năm 2024, ngành dệt may năm qua phải đối mặt với biến động lớn về lao động lớn. Có những đơn vị thuộc Tập đoàn biến động tới 20%. Biến động lao động dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2025. Nguyên nhân do lao động dệt may lựa chọn đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều thị trường mới.
Thị trường dệt may thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm khi các Ngân hàng Trung ương lớn như FED, ECB phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất điều hành và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện. Ước tính cả năm nay, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với nǎm 2022.
Các doanh nghiệp dệt may đang nóng lòng theo dõi chính sách của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Theo nhận định, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10-20%. Việt Nam cũng có khả năng chịu thêm 10% thuế với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này.
"Việc Mỹ tăng thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh trong đó có Việt Nam đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ", đại diện Vinatex cho hay.