Lao động ngành dệt may trong nước: Thu nhập 12 triệu đồng/tháng vẫn không mặn mà
(DNTO) - Doanh nghiệp dệt may cho biết đang rất khó khăn tuyển dụng lao động trong nước nhưng lại đang nhận được sự quan tâm của người lao động từ một số thị trường quốc tế.
Chi trả tới 12 triệu đồng/tháng/người vẫn không ai làm
“Chúng tôi gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút tuyển dụng, kể cả đến các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín,... nhưng cũng không hiệu quả”, ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè, nói về khó khăn của công ty khi tuyển dụng lao động tại tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn", hôm 12/9.
May Nhà Bè hiện có hơn 40 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, với hơn 35.000 lao động đang làm việc. Gần đây, nhu cầu tuyển dụng của công ty tăng cao nhưng nhóm lao động trẻ lại không mặn mà với những công việc như may mặc, khiến công ty gặp khó khăn khi mở rộng dây chuyền sản xuất.
Nhưng, công ty này lại cho biết đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người lao động từ Myanmar, Banglades, những trung tâm may mặc tại châu Á, do những biến cố của đất nước họ.
“Nếu chúng ta có cơ chế chính sách tốt thì có thể đây cũng là nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp may mặc, có nhu cầu tuyển số lượng lớn”, ông Nam nói.
Tương tự tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự cũng phải thốt lên rằng lần đầu tiên không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy trong năm 2024.
Ông Sơn cho biết, công nhân tại công ty đảm bảo có tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (25% đến từ tăng ca), không quan trọng độ tuổi. Tuy nhiên, lao động trẻ không mặn mà với ngành may mặc. Lao động phổ thông rất khó tuyển trên nền tảng số vì họ không thể cập nhập được hồ sơ.
Không chỉ khó tuyển, số lao động nghỉ việc thời gian qua cũng khá lớn. Do tiêu chí tuyển dễ dàng nên lao động cũng dễ nghỉ việc với nhiều lý do như áp lực công việc, gia đình có việc riêng… Doanh nghiệp cũng có chính sách như thưởng cho người giới thiệu nhân sự, mời công nhân cũ trở lại làm việc… song vẫn không đủ.
“Nhiều doanh nghiệp giảm lao động với số lượng lớn nhưng chúng tôi lại không thể tuyển được lao động do khác ngành nghề, do người lao động không muốn chuyển nơi ở do việc học hành của con cái…Dù dự kiến tăng chuyền nhưng do không tuyển đủ lao động doanh nghiệp không thể thực hiện, trong khi đó đơn hàng hiện nay rất nhiều”, ông Sơn nói.
PouYuen, công ty được mệnh danh là “Samsung ngành da giày”, cũng đang cần tới 2.000 lao động. Mặc dù công ty đã kết hợp với nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt, hay nhờ công nhân công ty và những địa phương đang có người lao động đang làm việc giới thiệu, nhưng hiện công ty mới tuyển dụng được một nửa, còn thiếu tới 1.000 lao động.
Phải có “chiêu” mới trong tuyển dụng
Thị trường lao động vẫn đang tồn tại bất cập. Theo số liệu của Cục Việc làm, có hơn 1.06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển.
Ông Nguyễn Trọng Tấn - Tổng Giám đốc Chợ Tốt, đơn vị xây dựng nền tảng tìm kiếm và tuyển dụng lao động Việc Làm Tốt, cho biết trên nền tảng hiện có hàng chục ngàn vị trí tuyển dụng và các doanh nghiệp tuyển nhiều, liên tục.
Tuy nhiên, theo quan sát, doanh nghiệp khi đăng tuyển hay dùng từ làm bó hẹp khả năng của ứng viên. Chẳng hạn dùng từ "tuyển lao động phổ thông", "tuyển công nhân" như vậy rất dễ đánh vào tâm lý của người lao động. Như vậy, cần thay đổi chiến lược tuyển dụng để thu hút ứng viên.
Là một doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên tuyển lao động trẻ, chưa qua đào tạo, bà Lâm Thị Ngọc Ngân - Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS, cho biết bình quân mỗi năm công ty cần tuyển trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian, như vậy mỗi tháng cần tuyển 300 nhân sự.
Điều này buộc công ty phải mở rộng các kênh tuyển dụng. Ngoài kênh tuyển dụng truyền thống như báo giấy, các trang tuyển dụng trực tuyến hay giới thiệu của nhân viên, công ty phải thông qua mạng xã hội như Facebook, TikTok.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM, cho biết phải nhìn nhận thực tế là tỉ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Vì sao lại có điều này? Một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó.
Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…
Mặt khác, lao động đang dịch chuyển dần về các địa phương có mức sống thấp hơn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động cũng đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để tận dụng nguồn lao động.
Do vậy, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động để có được lực lượng lao động có tay nghề.