Không thể tiếp tục tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ
(DNTO) - Những yêu cầu mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và thách thức mới đến từ thị trường toàn cầu buộc Việt Nam phải cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh.
Nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc
Nền kinh tế Việt Nam khép lại nửa đầu năm với mức tăng trưởng 6,42%. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hôm 7/8, mô hình tăng trưởng thời gian qua vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.
Phân tích kĩ hơn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng và sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn, các mô hình tăng trưởng xanh (năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa, giảm thiểu khí thải...) mới manh nha, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%), nhưng vẫn thấp hơn của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).
Nguyên nhân là tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn bất cập, chưa đột phá, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho R&D thấp....Điều này cũng khiến khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng (44% GDP), doanh nghiệp Việt vẫn còn bé, ít tập đoàn lớn....Mục tiêu công nghiệp hóa đến 2020 không đạt được.
“Đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động. Vì vậy, các chính sách không những hướng tới nâng cao hiệu quả của vốn và chất lượng lao động mà còn cần đầu tư thay đổi công nghệ để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Tuấn nói.
Câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế
Để tìm kiếm không gian tăng trưởng mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới là chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay vừa có cơ hội, vừa có những thách thức. Đổi mới mô hình tăng trưởng liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, nôm na là sẽ phải chấp nhận đâu là lĩnh vực cần giữ lại, đâu là cái cần bỏ đi và đâu là vấn đề cần tập trung.
“Ví dụ hiện nay chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất xanh, sạch. Nếu để doanh nghiệp tự mày mò, đầu tư thì rất khó, phải có sự dẫn dắt từ nguồn vốn Nhà nước. Tương tự với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, các công nghệ mới, nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quỹ đầu tư nhỏ lẻ hiện trên thị trường cũng rất khó để bứt phá, cũng cần có nguồn vốn Nhà nước đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước có động lực để triển khai”, ông Cường nói.
Dẫn chứng về tái cấu trúc đầu tư công, GS Hoàng Văn Cường cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất. Những năm qua đã có định hướng chuyển hướng đầu tư công, từ đầu tư phân tán, manh mún, chuyển sang đầu tư tập trung theo lộ trình 5 năm, các dự án đã tập trung lại. Gần đây không chỉ có các dự án trọng điểm mà còn đầu tư vào hạ tầng khung, đặc biệt là đường giao thông, cao tốc…
Theo vị này, hiện nay, khu vực nhà nước đang quản lý khối lượng tài sản lớn của nền kinh tế. Nhưng cơ chế hiện nay ràng buộc không cho phép doanh nghiệp nhà nước có khả năng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ như khối doanh nghiệp tư nhân.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để khối doanh nghiệp này có cơ chế phát triển không kém khu vực tư nhân. Vì vậy, yếu tố quan trọng của việc tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là đổi mới cơ chế, chính sách.
“Đổi mới sáng tạo không chỉ dùng ở khu vực sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo phải từ cơ chế. Nếu cơ chế quản lý không thúc đẩy, không công nhận, bảo vệ về con người đổi mới sáng tạo thì khó có thể thành công trong đổi mới sáng tạo”, ông Cường nhấn mạnh.