Để nền kinh tế lấy lại quỹ đạo tăng trưởng cao
(DNTO) - Tăng trưởng GDP khả quan trong quý 1 là động lực để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, để lấy lại quỹ đạo tăng trưởng cao, Việt Nam cần nỗ lực giải quyết nhiều điểm nghẽn để sức khỏe doanh nghiệp thực sự phục hồi trở lại.
Chính sách phải theo kịp với kinh tế số
GDP quý I năm nay ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I của các năm từ 2020-2023. Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế cũng cho thấy sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2. UOB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 2/2024 ước đạt 6%, còn HSBC dự báo ở mức 6,5%.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.
Tuy nhiên, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024.
Ông Pulkit Abrol, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Kế toán Công chứng (ACCA) cho biết không chỉ riêng Việt Nam, thách thức lớn đang xảy ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là ở ASEAN, là khoảng cách kỹ năng còn lớn giữa người lao động và các công nghệ mới. Vì vậy, nỗi lo sợ của các nhà hoạch định chính sách là làm sao nâng cao nền kinh tế, lực lượng lao động của mình để cạnh tranh với tự động hóa và robot.
“Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng không chỉ sau đại dịch do chuyển đổi kỹ thuật số, mà còn là sự gia tăng trong vòng 14-16 tháng qua về AI và học máy, tự động hóa đang được triển khai. Vì vậy, có rất nhiều việc phải làm và việc hoạch định chính sách hiệu quả là bước đầu tiên”, ông Pulkit Abrol nói.
Nhìn nhận lại vai trò của Doanh nghiệp Nhà nước
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, các nước muốn có nền kinh tế phát triển, độc lập, tự chủ, hùng cường bao giờ cũng phải có tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột. Với Việt Nam hiện nay, khu vực tư nhân dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng năng lực vẫn còn hạn chế. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò trụ cột như nhiều nước khác, thì chưa phải đúng thế mạnh Việt Nam.
Ngược lại, chúng ta có nhiều doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh, có khả năng phát triển mạnh hơn nếu có một cơ chế cởi mở, có thể biến doanh nghiệp nhà nước hiện nay thành những tập đoàn rất mạnh.
“Đúng là doanh nghiệp Nhà nước, là khối doanh nghiệp đang nắm giữ nguồn lực lớn, kể cả nguồn lực về vốn, cơ sở vật chất, đặc biệt thị phần nằm ở các ngành, lĩnh vực rất chủ chốt của ngành kinh tế. Cho nên lợi thế của doanh nghiệp nhà nước rất lớn trong quy hoạch chung. Ngoài ra họ còn có lợi thế về thương hiệu là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Vì vậy doanh nghiệp nhà nước luôn phải coi là trụ cột chính dẫn dắt phát triển”, ông Cường nói.
Thực tế, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đã được phát huy ở một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng hiện nay cũng phải dựa vào các ngân hàng nhà nước mới duy trì sự ổn định. Hay vấn đề viễn thông, chúng ta có sự phát triển bứt phá không thua kém các nước trên thế giới, cũng nằm trong khối doanh nghiệp nhà nước…
Tuy nhiên theo ông Cường, một số khối doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được lợi thế này do nhiều nhân tố. Một yếu tố rất cơ bản là doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý theo các quy định của nhà nước, không được tự do quyết định, hành động như các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, tính năng động, sáng tạo luôn bị giới hạn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực mới như các công nghệ mới mang tính chất đầu tư mạo hiểm thì doanh nghiệp nhà nước không dám đặt chân vào. Vì 10 lần lãi có thể được khen thưởng nhưng 1 lần thua lỗ là phải chịu trách nhiệm. Tư nhân họ sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận rủi ro để được lợi ích lớn hơn, nhưng nhà nước không thể chấp nhận rủi ro đó. Đây là vấn đề đặt ra cho cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, phải có sự thay đổi.
“Đặc biệt Luật 69 (Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) đang đưa ra khởi động lấy ý kiến sửa đổi điều này. Theo tôi, nếu thay đổi theo phương thức quản trị, không phải vốn tài sản của doanh nghiệp nhà nước không phải vốn ngân sách, mà là vốn đầu tư cho doanh nghiệp. Đã đầu tư phải chấp nhận có khả năng rủi ro. Vì vậy phải quản lý kết quả cuối cùng, theo các chỉ tiêu đánh giá, đầu tư vốn có bảo toàn được không, bao nhiêu năm mang lại lợi nhuận. Không nên đi vào kiểm soát hành vi như hiện nay, quyết định một dự án hay đầu tư một gì đó cũng phải báo cáo xin, như vậy nó không còn tính năng động nữa”, ông Cường khuyến nghị.