Lo ngại từ việc doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư
(DNTO) - Động lực đầu tư từ phía doanh nghiệp tư nhân chậm lại và nhu cầu tiêu dùng cá nhân sụt giảm là nút thắt ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Nút thắt của tăng trưởng
Chia sẻ trong diễn đàn "Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng" hôm 28/5, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết năm 2024 là năm dự báo nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Quý đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 5,66%, là mức tăng cao nhất trong quý 1 giai đoạn 2020-2023. Điều này chứng tỏ chúng ta đang ở trong đà tăng trưởng năm 2023 và kéo dài sang năm nay. Các trụ lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, đầu tư công đều có tín hiệu tích cực, nếu tận dụng tốt sẽ có cơ hội tăng trưởng cao.
Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn có những con gió ngược khi nhu cầu trong nước có xu hướng giảm rất rõ. Điển hình như chỉ số bán lẻ hàng hóa quý 1 chỉ đạt 5,3%. Trong khi đây thời điểm chỉ số này tăng trưởng cao do liên quan đến lễ Tết. Năm 2022 tăng 8,7% và rất nhiều năm tốc độ tăng trưởng đạt 9-10%.
Yếu tố thứ 2 là cầu của doanh nghiệp nhưng cũng là đầu tư. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại, chứng tỏ khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Trong khảo sát VCCI, chỉ 27% doanh nghiệp kì vọng có thể mở rộng sản xuất trong năm nay, thấp hơn con số 35% năm 2022, được đánh giá là thấp ngang với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2011-2013.
“Yếu tố động lực đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng cá nhân là nút thắt và có thể làm cho tăng trưởng tụt xuống”, ông Cường nhấn mạnh.
Để kích cầu, Nhà nước đã linh hoạt sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế độc lập, sáng lập viên Think Future Consultancy, cho biết trong năm 2024, 2 chính sách này đều “căng” ở mức tối đa. Lãi suất xuống thấp nhất trong 20 năm, còn chính sách tài khóa không thể tăng tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ xấp xỉ và thậm chí thấp hơn vốn 2023 là 100.000 tỷ.
“Chúng ta đã đến ngưỡng cao nhất của việc nới lỏng tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn do có nhiều lý do. Thị trường xuất khẩu co hẹp, ảnh hưởng tới đơn hàng của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Nhiều chuỗi bán lẻ tôi thấy đã đóng cửa, nhân viên của họ cũng phải nghỉ việc, ảnh hưởng trực tiếp tới cầu tiêu dùng. Do vậy, bất kì động lực tăng trưởng nào, từ động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cho đến động lực tăng trưởng mới (ESG, kinh tế số…) đều quý”, ông Linh nói.
Một quyết sách đúng sẽ kéo nguồn lực ngay lập tức
Nhận diện được những thách thức đối với nền kinh tế, Nhà nước đang rất tích cực trong việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ. Theo ông Cường, phương tiện tài khóa dù không phải là động lực tăng trưởng nhưng rất quan trọng, là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vì vậy những giải pháp tài khóa, tiền tệ thời gian qua hỗ trợ rất quan trọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn và phục hồi.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt trong năm 2024, vị này cho rằng không nên tìm cách ép lãi suất xuống vì lãi suất hiện rất thấp. Thay vào đó, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bằng việc giảm thuế, giãn hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp.
“Lãi suất quá thấp chưa phải là điều tốt. Điển hình như lãi suất huy động hiện nay thấp hơn cả chỉ số lạm phát. Như vậy người dân không gửi tiền trong ngân hàng mà đi mua vàng hay những thứ khác, rất nguy hiểm. Cho nên lãi suất làm sao đủ huy động nguồn vốn vào nhưng không quá cao để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Nhưng khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân sách có thể phải bỏ ra để hỗ trợ thêm lãi suất cho các mục tiêu như thúc đẩy nhà ở xã hội, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp bán dẫn…”, ông Cường khuyến nghị.
Khi nói về hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Hùng Linh cho rằng nhà chính sách phải có mức độ hiểu biết sâu sắc các ngành, hoạt động quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp. Từ đó mới có chính sách đúng đắn, “điểm đúng huyệt” giúp nền kinh tế mới tăng tốc.
“Năm 2017, có một chính sách rất đúng đắn là Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Ngay sau đó, giai đoạn 2018-2019, đầu tư của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng rất cao 15-20%. Trong 3 năm đó, đầu tư của khối tư nhân là động lực kéo tổng đầu tư toàn xã hội. Đây là minh chứng cho việc chỉ cần một quyết sách đúng là ngay lập tức kéo được nguồn lực vào phát triển. Tuy nhiên, từ 2020 đến nay, tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân giảm, chỉ xấp xỉ tổng đầu tư chung. Động lực đầu tư hiện nay chủ yếu đến từ đầu tư công”, ông Linh ví dụ.
Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, ông Cường cho rằng phải cho doanh nghiệp thấy được định hướng lâu dài. Lúc đó họ mới tự tin đầu tư, mở rộng kinh doanh và trở thành những doanh nghiệp lớn.
Định hướng ở đây là phải có chính sách để giành thị phần, xác định “room” cho doanh nghiệp nước ngoài vào các lĩnh vực là bao nhiêu. Đồng thời cũng phải có hỗ trợ đường dài cho những doanh nghiệp đi theo định hướng đó, không kể doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí phải có nguồn ngân sách nhà nước để đặt hàng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ phục vụ xã hội theo chiến lược, nhằm chiếm lĩnh thị phần, hình thành doanh nghiệp lớn, đủ năng lực song hành với nhà đầu tư nước ngoài.
“Khu vực FDI hiện nay vào Việt Nam chủ yếu vẫn độc hành, khó tìm được doanh nghiệp trong nước song hành vì không đủ năng lực. Khi hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước phát triển đủ lớn, song hành với các nhà đầu tư nước ngoài mới tạo được sự lan tỏa, dần dần tiếp nhận được công nghệ và trở thành tập đoàn mạnh thay thế cho nhà đầu tư nước ngoài. Cũng nhờ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh mới tạo được liên kết lan tỏa ra chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước”, ông Cường phân tích.