Doanh nghiệp làm ăn tốt vẫn khó khăn về vốn
(DNTO) - Không chỉ khó khăn trong việc vay vốn, nhiều doanh nghiệp còn bị đọng vốn do vướng mắc về chính sách. Vì vậy, giải quyết vấn đề vốn cần nhìn rộng hơn là làm sao cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động.
Đọng vốn do vướng mắc chính sách
Đầu tư tư nhân được xem là một trong những động lực tăng trưởng truyền thống, bên cạnh tiêu dùng, chiếm tỷ trọng cao nhất (56%) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quý đầu năm 2024, vốn đầu tư tư nhân chỉ đạt 4,2%, thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế (vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước tăng 4,9%, vốn FDI tăng 8,9%). Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 8-9% trong giai đoạn trước đại dịch 2016-2019.
“Kể cả những ngành hàng đang thuận lợi như xuất khẩu gạo, khi trao đổi với doanh nghiệp tư nhân đứng đầu ngành, tôi rất ngạc nhiên vì họ cũng nói rằng khó khăn đầu tiên là vốn, mặc dù họ vẫn có hợp đồng rất tốt”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói trong chương trình đối thoại Kích cầu đầu tư tư nhân hôm 8/4.
Vướng trong cơ chế, chính sách cũng là nguyên nhân khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam lấy ví dụ về ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng trên 5,66% GDP trong quý đầu năm, theo chỉ số bình quân là cao nhưng chủ yếu đến từ thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, không phân bổ đều cho ngành xây dựng. Các công ty xây dựng vừa và nhỏ vẫn chật vật, đầu tư tư nhân không nhiều nên công ăn việc làm trong ngành vẫn khó khăn.
Từ cuối 2023, ngành bất động sản có nhiều tín hiệu phục hồi do lãi suất ngân hàng giảm và hệ thống luật pháp như Luật Đất đai, Luật Nhà ở được Quốc hội phê duyệt, tâm lý thị trường phần nào bớt lo ngại. Nhưng bất động sản chưa phục hồi do trong cả quý 1, TP.HCM chỉ có 1 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, số dự án ra hàng trên toàn quốc cũng chỉ dừng ở con số 30. Như vậy động lực để thị trường phục hồi mạnh mẽ chưa có.
Ông Hiệp cho biết nguyên nhân do các dự án vướng mắc ở thủ tục pháp lý, vướng mắc trong phát hành trái phiếu của các nhà đầu tư lớn từ năm 2022 đến nay chưa giải quyết xong, đến 2024 vẫn còn nhà đầu tư đến hạn trả trái chủ tiền gốc và lãi. Chính vì vậy, nguồn vốn cho thị trường bất động sản đến từ nhà đầu tư tư nhân chưa thể tăng.
“Tiền vẫn nằm trong ngân hàng, chưa được sử dụng vào các dự án đầu tư, vì vậy nguồn công việc và tín hiệu bất động sản vẫn còn khiêm tốn. Tức có phục hồi, có niềm tin nhưng ở số lượng rất hạn hẹp. Nếu tháo gỡ được những khó khăn trên thì thị trường bất động sản mới có thể hồi phục mạnh mẽ”, ông Hiệp nói.
Vị chuyên gia của VCCI cho biết cần hình dung rộng hơn về vốn, tức giải quyết vấn đề vốn không chỉ hạ lãi suất, giúp doanh nghiệp có thể vay ngân hàng, mà làm sao cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giải phóng được dòng tiền và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.
Hiện tại, nhiều ách tắc về pháp lý, thủ tục hành chính khiến dòng tiền của doanh nghiệp chưa tối ưu. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, khi bị ách tắc về pháp lý hay ác thủ tục hành chính cũng khiến nhiều dự án đình trệ, doanh nghiệp bị chôn vốn ở đó, làm chi phí vốn tăng cao.
“Chúng ta muốn cắt giảm lãi suất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều hơn. Nhưng ngược lại khá nhiều doanh nghiệp bị tồn đọng vốn, dòng tiền ở chính sách. Ví dụ chính sách hoàn thuế, khá nhiều ngành hàng hiện tại không được hoàn thuế, có những doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp lớn lên tới nghìn tỷ đồng. Nếu nhanh chóng giải quyết vấn đề hoàn thuế cho nhiều ngành như ngành gỗ, sắn, điện tử… chắc chắn những khó khăn về vốn cũng được giải tỏa hơn”, ông Tuấn kiến nghị.
Phải có KPI cho các ngành, địa phương
Theo đại diện Hiệp hội các Nhà thầu, các hành lang pháp lý chuẩn bị cho Luật được Chính phủ chuẩn bị rất quyết liệt. Nhưng các thủ tục cụ thể ở cấp ngành, địa phương và đôi khi sự quyết liệt của các cấp này không được như Thủ tướng kỳ vọng. Cho nên, các thủ tục pháp lý đến hiện nay vẫn còn nhiều ách tắc, khiến các dự án bất động sản vào thị trường thực sự vẫn còn hạn chế.
“Một trong những mong muốn của doanh nghiệp bất động sản là làm sao sự quyết liệt từ phía Chính phủ phải truyền được xuống các địa phương bằng các biện pháp quản lý cụ thể, để các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cụ thể cho các dự án”, ông Hiệp kiến nghị.
Đồng tình quan điểm vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", TS Cấn Văn Lực khẳng định doanh nghiệp Việt Nam không thiếu vốn. Ông Lực lấy ví dụ về chương trình phục hồi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối mới giải ngân được 1/3, 70% còn lại chưa được giải ngân. Điều này chứng tỏ vốn đã có, cũng đã bố trí vốn nhưng khâu thực thi chưa được tốt.
“Phải cải thiện quyết liệt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, bớt đi thủ tục hành chính, đặc biệt là thái độ sợ sai, sợ trách nhiệm. Đã đến lúc phải giải quyết rốt ráo hơn bằng việc giao KPI cụ thể cho các chính quyền địa phương, thậm chí các bộ ngành”, ông Lực đề xuất.
Đại diện VCCI cho rằng có lẽ cần có gói tín dụng riêng cho ngành hàng tiềm năng, đang đà tăng tốc trong lĩnh vực sản xuất, nông lâm sản. Nên để vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất, thay vì những lĩnh vực mang tính đầu cơ cao. “Chính phủ vừa rồi đánh giá gói tín dụng cho lĩnh vực nông lâm sản khá thành công, nên tiếp tục mở rộng thêm”, ông nói.