Chờ đợi sự đột phá từ doanh nghiệp tư nhân

(DNTO) - Các doanh nghiệp tư nhân phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, nâng cao lượng và chất tạo thành một lực lượng vững mạnh đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Khơi thông nguồn vốn
Hiện khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 50% trong tỷ trọng GDP, trong đó doanh nghiệp tư nhân VN đóng góp 26-28% từ mức chỉ 9-10% giai đoạn 20190. Đáng chú ý, khu vực tư nhân đang tạo công ăn việc làm cho trên 80% lực lượng lao động cả nước.
Ngoài các "đại bàng" lớn tính được trên đầu ngón tay, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đều có tiềm lực tài chính còn hạn hẹp dẫn đến giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động hiện nay, rủi ro tiềm ẩn lớn hơn. Việc cần có các chiến lược rõ ràng để khu vực này có thể phát triển là cần thiết, trong đó đặc biệt vấn đề tăng tiếp cận nguồn vốn, tạo đà để các doanh nghiệp bứt phá.

Ảnh minh họa
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng gần 7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14,7% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Và hiện vẫn còn trên 208 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, tại Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân” nhấn mạnh, ngành ngân hàng luôn xác định rõ doanh nghiệp tư nhân là một trong những đối tượng, thành phần dứt khoát phải có sự quan tâm lớn trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động của ngành.
Hiện chất lượng tín dụng ở khu vực kinh tế tư nhân lại tốt và cao hơn, độ rủi ro thấp. Đây là nền tảng để ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng đồng thời có nhiều nghiên cứu, giải pháp mạnh hơn để đẩy dòng vốn vào kinh tế tư nhân.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, vốn doanh nghiệp không chỉ có vốn tín dụng mà còn có vốn đầu tư dài hạn. Theo đó, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng. Bên cạnh đó cần tạo một môi trường tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, dữ liệu… tạo sự đồng bộ để các doanh nghiệp tư nhân bứt phá, từ siêu nhỏ đến vừa, vừa đến lớn - một ngưỡng rất khó của doanh nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thể chế, chú trọng tháo được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá”, tháo bỏ các quy định chồng chéo, trùng lặp, không hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần sự nỗ lực, sáng tạo để tạo sự đảm bảo cho các khoản vay của mình, có sự chia sẻ với các tổ chức tín dụng, tạo mối quan hệ cộng sinh hai bên.
"Thay đổi triệt để"
Chính phủ xác định kinh tế tư nhân là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vấn đề nguồn vốn, để điều này sớm đạt được, cần sự đồng bộ thực hiện từ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tinh thần quyết tâm đổi mới.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" chia sẻ: "Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật. Chỉ có như vậy, đất nước mới có thể bắt kịp đà phát triển và tiến vào quỹ đạo mới. Tinh thần đổi mới là phải thay đổi triệt để, chứ không chỉ dừng lại ở việc cải tiến cái cũ, cái cũ đã cải tiến nhiều rồi mà chưa đạt".
Theo ông, có làm được các điều trên thì các doanh nghiệp tư nhân mới có thể nhập cuộc, khởi nghiệp và sáng tạo.
"Chính phủ đã đặt ra bài toán lớn rồi chúng ta không kêu ca bàn lùi. Lâu nay chúng ta vốn quen với việc "đi đều" rồi. Giờ đây doanh nghiệp tư nhân phải được thiết kế thành lực lượng doanh nghiệp, một khối sức mạnh, trong đó doanh nghiệp to kéo doanh nghiệp nhỏ, một bài toán cực kỳ hào hứng và hấp dẫn", ông Thiên chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực đã đưa ra nhiều đề xuất góp phần khơi thông, tạo đà cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trước hết, theo ông Lực, Việt Nam nên học các mô hình phát triển kinh tế tư nhân của nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng thay đổi thể chế, nhất quán với nhau về tư duy, đột phá về quan điểm, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh.
Việc hỗ trợ doanh nghiêp cần theo mức độ đóng góp của doanh nghiệp đó đối với nhà nước, tránh trường hợp doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi như các doanh nghiệp lớn nhưng đóp góp lại rất nhỏ.
Ngoài ra, nhà nước cần quan tâm đến quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh với ngành nghề không vi phạm pháp luật, quyền tự do bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác, chú trọng việc kết nối doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn, tạo sự tương hỗ lẫn nhau.
Cũng theo ông Lực, nền kinh tế luôn cần các số liệu cụ thể và chính xác để có các điều chỉnh kịp thời. Do đó, việc chú trọng chấn chỉnh các số liệu báo cáo cũng là hết sức cần thiết.