Doanh nghiệp nhà nước đang quản lý tài sản tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân
(DNTO) - Các doanh nghiệp nhà nước đang cung cấp khoảng 87% sản lượng điện, đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm và cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...
Những bước tiến dài
Trong Hội thảo “Thực trạng phát triển kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới", ngày 10/7, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cơ quan chức năng, viện trường và doanh nghiệp, đã tập trung làm rõ các vấn đề nổi bật trong sự phát triển của kinh tế nhà nước từ năm 1986 đến nay; đưa ra các quan điểm, giải pháp phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Phạm Sỹ An, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh qua 40 năm đổi mới, kinh tế nhà nước đã phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữa vai trò chủ chốt trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như cung cấp 87% sản lượng điện, 84% thị phần bán lẻ xăng dầu; 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG) toàn quốc, đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm. Doanh nghiệp Nhà nước cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...
Bên cạnh đó, TS Vũ Hoàng Đạt, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước đã có bước tiến dài trong việc sắp xếp và đổi mới, thu hẹp quy mô theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
“Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng quy mô tuyệt đối tính theo doanh thu không giảm. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất các sản phẩm thiết yếu”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đặc biệt, xét về khía cạnh tài chính, TS Đạt cũng cho biết các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước và ngoài nước, có thể do quản lý tài sản tốt hơn.
“Quá trình sắp xếp, đổi mới đã chọn lọc ra những doanh nghiệp tốt trong các ngành quan trọng như khai thác khoáng sản, dầu khí, viễn thông, tài chính-ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp nhà nước vì thế không quá khác biệt với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, do đó không quá bất lợi trong cạnh tranh nếu xét theo quy mô. Thậm chí trong một số ngành, các doanh nghiệp nhà nước có mức độ trang bị vốn cao hơn so với doanh nghiệp FDI cùng ngành”, ông Đạt nói.
Tính đến hết năm ngoái, Việt Nam còn 676 doanh nghiệp nhà nước (trong đó 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước năm ngoái là 1.652.442 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch được phê duyệt. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt 1.304.757 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Một số doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cao như: Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đạt 255% so với kế hoạch.
Cần nổi bật hơn trong vai trò dẫn dắt
Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng phát triển kinh tế Nhà nước vẫn còn nhiều thách thức, nên những đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. PGS.TS Trần Kim Chung - Thư ký khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương chỉ rõ những mặt hạn chế của khu vực kinh tế Nhà nước là chưa đạt mục tiêu “nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước” đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.
Cụ thể là hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước thấp hơn hiệu quả đầu tư bình quân chung của nền kinh tế và thấp hơn rõ rệt so với khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Thậm chí, Kinh tế Nhà nước chưa có vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Vai trò hỗ trợ, phát triển, chuyển dịch cơ cấu tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa rõ nét.
Đặc biệt khả năng tăng trưởng của kinh tế nhà nước ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm… chưa đột phá.
Để kinh tế Nhà nước thực sự đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực tăng trưởng, ông Chung cho biết quá trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt phải quy định rõ tính chất kinh doanh và tính chất công ích của các doanh nghiệp Nhà nước trong từng điều kiện, hoàn cảnh. Từ đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, khắc phục tình trạng không rõ ràng giữa nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.
“Cần nâng cao tính hạch toán, tính chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Chung nói.