Luật Đấu thầu (sửa đổi) quyết định điều chỉnh tới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước
(DNTO) - Sau khi xem xét kỹ lưỡng, thống nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi. Trong đó quyết định phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), sáng 23/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp Nhà nước và dự án sử dụng vốn Nhà nước, Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất bãi bỏ không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong luật về nội dung này: Phương án 1 là giữ như phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, theo đó, quy định đối tượng áp dụng chỉ bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Phương án 2 là quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước.
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 2 để không thu hẹp quá mức đối tượng đấu thầu, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp Nhà nước; vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối. Một số ý kiến đề nghị chọn phương án 1 để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
"Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu bao gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây là nội dung đã được Chính phủ xem xét kỹ lưỡng, thống nhất", ông Lê Quang Mạnh cho hay.
Giảm một số trường hợp chỉ định thầu
Về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định; một số ý kiến khác và Chính phủ cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thể lường trước được trong tương lai, đồng thời phải bảo đảm bảo vệ bí mật Nhà nước.
Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi không quy định việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Vì vậy, việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với dự thảo của Luật Đất đai.
Dự thảo Luật hiện còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại, hơn nữa, cho đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Về hình thức chỉ định thầu, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp và thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với “gói thầu xây dựng theo lệnh khẩn cấp”, “gói thầu tái định cư”, “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn”.
Có ý kiến cho rằng, việc chỉ định thầu nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, đề nghị thực hiện phương pháp chỉ định thầu giảm giá vì có những trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn… Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: "Nếu tăng cường áp dụng chỉ định thầu thì trong một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng “xin - cho”, làm giảm tính cạnh tranh do nhà thầu không thân quen với chủ đầu tư sẽ không có cơ hội được tham dự thầu, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh". Ngoài ra, hiện nay đấu thầu qua mạng đang được đẩy mạnh với thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian nên việc mở rộng chỉ định thầu là không cần thiết. Vì vậy, sẽ giữ quy định như dự thảo luật, không mở rộng thêm các trường hợp chỉ định thầu.