Đại biểu Quốc hội: Luật Đất đai phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô
(DNTO) - Để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đại biểu Quốc hội cho rằng cần giải quyết tốt 2 vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay (21/6), đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), cho biết hiện nay chênh lệch lớn từ địa tô chuyển nhượng đất khiến tiềm ẩn bất công trong xã hội.
Cụ thể, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao hơn. Đất nông nghiệp được mua gom, được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở và đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần so với đất nông nghiệp...
"Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đại biểu cho rằng cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất", ông Khải nhận định.
Bên cạnh đó, ông Khải cho rằng, càng quy định nhiều phương pháp định giá đất lại càng khó áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn. Trong đó, có thể xây dựng một phương pháp tính giá đất thật đơn giản, tránh phải phân tích và lựa chọn nhiều phương pháp như hiện nay.
Theo đại biểu, về nguyên tắc xác định giá đất, quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ.
Ông Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện.
"Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát; xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân", ông Khải nhấn mạnh.
Chính sách đất thương mại dịch vụ rất mờ nhạt
Nêu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), cho rằng tại Điều 10 của dự thảo luật đề cập tới nhóm đất là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có đất thương mại dịch vụ. Theo đại biểu, đất thương mại dịch vụ có vai trò rất lớn, đáp ứng nhu cầu về phát triển các cơ sở thương mại dịch vụ mới của nền kinh tế. Khi thực hiện các dự án sẽ tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản mới thu hút nhu cầu lớn cả trong nước và quốc tế, như bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng…
Theo bà Hoa, đất thương mại dịch vụ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết quyết việc làm cho người dân.
"Theo thống kê có khoảng 25% lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú…, đây là giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Việc sử dụng đất thương mại dịch vụ sẽ thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác", bà Hoa cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về thể chế chính sách cho loại đất này còn mờ nhạt, vì vậy cần có chế định cụ thể đối với đất thương mại dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai. Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 47 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.
Theo đại biểu, Điều 47 về điều kiện bán công trình trên đất thuê trả tiền hàng năm là phải hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt. Với quy định này thì các chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch không thể kinh doanh bất động sản du lịch hình thành trong tương lai.
"Điều này đi ngược lại với các quy định về việc bán bất động sản hình thành trong tương lai quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành và sẽ gây ra những vướng mắc nhất định cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh bất động sản. Tôi đề xuất sửa đổi Điều 47 theo hướng không nhất thiết phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch đối với những hạng mục có thể hình thành trong tương lai", Bà Hoa nói.
Ngoài ra, theo đại biểu, trên thực tế việc tổ chức thực hiện chậm một số nội dung của quy hoạch không chỉ là 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn và được người dân gọi là quy hoạch treo. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì vậy, sửa đổi luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.
Đề cập về rà soát kế hoạch, bà Hoa cho rằng, cần có sự phân quyền cụ thể, đặc biệt đối với quy hoạch đối với thành phố thuộc tỉnh. Về thẩm quyền, phân quyền sử dụng đất, cần có tiêu chí cụ thể về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa. Còn đối với nhượng quyền sử dụng đất, cần có cơ chế can thiệp đảm bảo quyền lợi của người dân.