'Đề nghị quy định đất chung cư có niên hạn để giảm giá nhà'
(DNTO) - Đại biểu Quốc Hội đề xuất đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có "sổ đỏ" vĩnh viễn, mà là đất thuê có thời hạn 50 - 70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều, giúp chi phí đầu tư xây dựng của doanh nghiệp giảm đáng kể, giá nhà ở cũng phù hợp hơn.
Quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn được đặt lên bàn nghị sự khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ngày 5/6.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng chung cư cũ thấp tầng nếu phá dỡ, xây thêm tầng mới có mức sinh lời và thu hút nhà đầu tư. Nhưng tất cả chung cư sau này đều là chung cư cao tầng, khi phá dỡ không còn hệ số sinh lời nữa, sẽ "không nhà đầu tư nào dại gì bỏ tiền vào". Vì thế, đến một lúc nào đó, nhà chung cư cao tầng không thể phá dỡ, kể cả hết niên hạn.
Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng là chung cư phải có thời hạn theo tuổi thọ công trình. Hết thời hạn, đến kiểm định nhà đó vẫn còn tốt thì tiếp tục sử dụng, nhưng không đảm bảo an toàn phải phá dỡ.
Ông Cường dẫn chứng, nhà chung cư sở hữu dài hạn có giá 40 triệu đồng/m2, nhưng nếu chỉ sở hữu 50 năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2. "Giá chênh lệch rất nhiều như vậy thì ai là người hưởng lợi? Quy định như hiện nay thì chính chủ đầu tư hiện nay là đơn vị được hưởng lợi. Trước đây dự thảo đưa ra thời hạn, nhiều ý kiến phản đối vì lợi ích của chủ đầu tư", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.
Từ phân tích này, ông Cường đề xuất đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có "sổ đỏ" vĩnh viễn, mà là đất thuê có thời hạn 50 - 70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều, giúp chi phí đầu tư xây dựng của doanh nghiệp giảm đáng kể, giá nhà ở cũng phù hợp hơn.
Góp ý cho nội dung cải tạo nhà chung cư cũ, đại biểu Quốc hội Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng phân vân về việc dự án luật chưa đề cập rõ việc sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn hay có thời hạn.
Cụ thể, theo tinh thần của luật này là sở hữu vĩnh viễn, song nhà chung cư có tuổi đời 50-70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
"Muốn cải tạo, chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, bây giờ giá như thế nào? Nếu định giá theo thị trường nhưng một số chủ căn hộ không chấp nhận, giải quyết thế nào?", ông Lưu đặt vấn đề và cho rằng những vướng mắc này đã có trên thực tế.
Ở góc nhìn khác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, dẫn thực tế về tình trạng nhà ở chung cư đó là người dân cơi nới, lắp ghép để mở rộng diện tích, sử dụng kết cấu chịu lực rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố.
Điều 62 dự thảo nêu UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương trên địa bàn.
Theo ông Dũng, quy định như vậy chưa hợp lý và đang trái với quy định trong Luật Ngân sách. “Mình nói cải tạo chung cư cũ bằng vốn đầu tư công, có phù hợp luật khác hay không? Vì chung cư là sở hữu người dân, đi cải tạo bằng đầu tư công thì vô lý vì không phải đối tượng thuộc ngân sách”, cũng theo ông Dũng, vấn đề kinh phí kiểm định, nếu quy định người dân phải bỏ ra thì không cần thiết.
“Nhà nước bỏ ra làm, hoặc kêu gọi xã hội hóa. Đang muốn thỏa thuận để người dân vui vẻ đi mà lại bắt người dân bỏ tiền kiểm định thì vô lý. Qua cháy nổ, dịch bệnh thấy các khu này có khổ không? Muốn an toàn cho dân, nhà nước phải có trách nhiệm với dân, nguồn vốn chỗ này phải rộng rãi, nhà nước bỏ tiền ra”, ông Dũng nói.
Về quy hoạch lại chung cư cũ, qua thực tiễn, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhận thấy, Hà Nội không thể làm được kiểu tòa nào tái định cư tòa đấy, mà phải làm từng khu.
Đơn cử như khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng ở Hà Nội, chỉ nên làm một vài tòa cao tầng. Các khu chung cư này nên cải tạo theo hướng xây cao tầng, bên dưới là không gian thương mại, dịch vụ để người dân sinh hoạt, vừa có doanh thu cho nhà đầu tư.
"Để hẳn một khu làm thương mại thì nhà đầu tư mới có lợi ích, người dân cũng có không gian sống đảm bảo. Như hiện nay, chung cư cũ sở hữu nhà chung cư vừa chen chúc, cơi nới rất nhiều vấn đề. Phải đưa ra đây chủ trương phải cải tạo. Lâu nay mình làm rất dở", ông Dũng thẳng thắn.
Góp ý về hướng xử lý chung cư cũ, ông Dũng cho rằng cần cải tạo theo từng khu 4 đến 5 tòa nhà. Ví dụ chung cư cũ cao 5 tầng, có thể phá dỡ và chỉ xây 2 tòa nhưng cao 20-35 tầng để đưa người dân về ở. Việc này giúp người dân có thêm không gian bên dưới để sinh hoạt, thương mại và chủ đầu tư xây cao tầng cũng có thêm lợi nhuận.