Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nhà nước cần quản lý, khống chế giá tối đa nhà ở xã hội
(DNTO) - "Đối tượng ở nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế, do đó cần phải quản lý, duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị điều chỉnh lại khoản 3, Điều 80 dự thảo quy định dành 1 tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Theo ông Phớc, quy định như vậy không đúng theo Luật Ngân sách nhà nước. Các khoản thu ngân sách không quy định về nhiệm vụ chi của những việc cụ thể và cần làm rõ, các khoản này có được đưa vào ngân sách không, nếu để ngoài sẽ không có cơ chế thực hiện.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất nên thiết kế lại quy định theo hướng: Nhà nước có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội. "Khi có hạ tầng, có đất sạch, chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xa hội theo đúng quy hoạch phê duyệt sẽ hợp lý hơn".
Theo ông Phớc, có 2 loại nhà ở xã hội: do Nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn vốn xã hội hoá do doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư.
"Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, Nhà nước quy định giá bán và phải bán đúng giá. Đối với loại nhà ở thực hiện xây dựng từ nguồn xã hội hoá nhưng do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cũng phải duyệt giá, bởi doanh nghiệp đầu tư chỉ đầu tư vốn, còn đất lại do Nhà nước giao. Nhà nước không thu tiền sử dụng đất mà còn giao đất sạch, đương nhiên việc khống chế mức giá tối đa do Nhà nước thực hiện", ông Phớc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng phải giao cho Chính phủ quy định UBND tỉnh ban hành phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội. Nếu không có phí này, mỗi khu chung cư lại tự đặt một mức phí khác nhau rất khó quản lý, trong khi, khoản phí này do chính đối tượng ở nhà ở xã hội chi.
"Đối tượng ở nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế do đó cần phải quản lý, phải duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh trách nhiệm địa phương trong phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết luật hiện hành quy định "phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội".
Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.... Vì vậy, trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị nghiêm khắc làm rõ việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
"Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội. để tránh tình trạng các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho đầu tư nhà ở xã hội", ông Tùng cho hay.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc dự thảo luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà luật Nhà ở hiện hành đã quy định.
Cụ thể là ngoài việc bố trí 20% quỹ đất, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước.
"Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị", ông Tùng nêu rõ.