Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, luật hóa 'trường hợp đặc biệt'
(DNTO) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được.
Giảm một số trường hợp chỉ định thầu
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (dự thảo Luật) trước Quốc hội sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho biết trước ý kiến đề nghị không cần đấu thầu để rút ngắn được thủ tục, tiết kiệm thời gian và tránh được tiêu cực..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.
Mặt khác, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam; hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ quốc tế cũng có quy định tương tự về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu.
“Vì vậy, đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo Luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, như bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được; đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án; chỉnh lý quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế...
Cân nhắc bổ sung quy định đặc thù về chỉ định thầu
Về vấn đề rà soát, thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu tại Điều 23 dự thảo Luật, UBTVQH cũng nhất trí với phương án đã tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo Luật đã rà soát, thu hẹp phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 63 của Chính phủ.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, trong một số trường hợp đối với các dự án quan trọng quốc gia có những yếu tố đặc thù cần phải có những quy định chỉ định thầu khác luật. Theo đó, hiện nay, trong một số Nghị quyết của Quốc hội cũng đã cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đấu thầu.
"Có thể cân nhắc nghiên cứu bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch", UBTVQH kiến nghị.
Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại Điều 6 để phù hợp với thực tế hiện nay (các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có các doanh nghiệp xây lắp chuyên ngành; các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu…), quy định về “độc lập tài chính, độc lập pháp lý” sẽ dẫn đến các đơn vị trực thuộc không được tham dự gói thầu của công ty mẹ/cơ quan Nhà nước làm chủ đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và không bảo đảm công bằng, cạnh tranh.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 để làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu tham dự thầu gói thầu do cơ quan quản lý Nhà nước làm chủ đầu tư; công ty con tham dự thầu gói thầu do công ty mẹ làm chủ đầu tư để tận dụng lợi thế, sở trường trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con.