Giảm trừ gia cảnh quá thấp: Đừng để người dân mòn mỏi 'cõng' thuế
(DNTO) - Mức giảm trừ gia cảnh cứ "đứng yên một chỗ" trong khi giá cả tăng cao, chuyên gia nhấn mạnh, thay vì chờ đúng lộ trình đến năm 2026, cần sớm đẩy nhanh việc sửa đổi Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân ngay năm 2024 để người dân không còn rơi vào cảnh “thắt lưng buộc bụng” vẫn phải đóng thuế.
Cấp bách vẫn phải... “chờ”?
Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của người nộp thuế. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đã lập mức sàn mới sau nhiều năm biến động mạnh, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được đánh giá là quá thấp.
Nhiều bộ, ngành đã kiến nghị cần thay đổi sớm quy định này. Mới đây, cử tri 6 tỉnh Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh đã kiến nghị về việc xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và người phụ thuộc, đặc biệt là sau khi tăng lương kể từ ngày 1/7/2024.
"Mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức viên chức sẽ tăng khá nhiều so với hiện nay, dẫn tới thu nhập tính thuế sẽ tăng, mức đang giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là quá thấp, tạo “gánh nặng” cho người nộp thuế và đánh mất ý nghĩa của chính sách đã nêu", cử tri trăn trở.
Phản hồi kiến nghị, ngày 26/8, Bộ Tài chính cho hay, hiện chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bởi 2 lý do. Thứ nhất, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn mức phổ biến mà các nước đang áp dụng, do đó cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 là 4,96 triệu đồng, và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng/tháng/người.
“Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (11 triệu đồng/tháng) hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 – 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Lý do thứ hai, theo giải thích của Bộ Tài chính liên quan tới biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Các mức tăng chỉ số CPI từ năm 2020 đến năm 2023 lần lượt là: 3,23%, 1,84%, 3,15% và 3,25%. “CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026...
Cần sớm thay đổi cách tính
Thực tế nhìn nhận, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu, vì vậy, luật cần sớm được sửa đổi thay vì lộ trình dự kiến hiện nay để người dân không còn rơi vào cảnh “thắt lưng buộc bụng” vẫn phải đóng thuế.
Đơn cử, xoay quanh vấn đề "CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh", nhiều ý kiến bày tỏ, quy định này là bất hợp lý, chưa phản ánh hơi thở của cuộc sống, Bởi, khi tính CPI có đến 725 loại hàng hóa thiết yếu, và trong số mặt hàng đó có cái chưa vượt 20% nhưng nhiều mặt hàng lại vượt xa 20%. Chưa kể, mức lạm phát trong năm sau thì lại dựa trên mức với giá cả sang năm. Như vậy, việc cộng các mức lạm phát là không “đồng mẫu số” nên không thể cứng nhắc áp dụng cho được, cần sớm thay đổi cách tính hiện nay.
"Còn nếu cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã cao khi dựa trên thu nhập bình quân thì cũng chưa chính xác. Ở nước ngoài, trước khi xác định thu nhập chịu thuế thì người nộp thuế được khấu trừ một số loại chi phí tối thiểu, nguyên tắc thuế thu nhập là phải được trừ đi chi phí tối thiểu trước khi tính thuế, giống như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hơn nữa, thu nhập người nộp thuế tăng lên theo mức lương tối thiểu những năm qua nhưng mức giảm trừ gia cảnh thì giậm chân tại chỗ. Điều này dẫn đến tình trạng thu nhập tăng thêm thì nhiều cá nhân cũng phải đóng thuế nhiều hơn”, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhận định.
Cho rằng nếu "chờ" sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mất đến mấy năm, cách nhanh nhất giải quyết cho những tồn tại hiện nay là giảm thuế thu nhập cá nhân 50% cho 6 tháng cuối năm 2024. Điều này không những hỗ trợ người nộp thuế mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Về lâu dài, theo vị chuyên gia này, khi sửa mức giảm trừ gia cảnh cần dựa theo lương tối thiểu thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI, nhằm tránh quy định vừa ban hành đã lạc hậu. Thay vào đó, có thể căn cứ trên lương tối thiểu cho phù hợp mà cũng đơn giản khi thực hiện, bởi mức lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm, được chia ra 4 vùng có mức lương tương ứng. Khi lương tối thiểu tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng lên mà không cần phải chờ sửa đổi luật...