Ngành dệt may, da giày chật vật với 'hàng rào xanh'
(DNTO) - Là 2 ngành xuất khẩu chủ lực và có độ mở lớn nên những quy định xanh tác động trực tiếp đến dệt may, da giày. Doanh nghiệp trong ngành lo ngại chi phí tuân thủ quy định ngày càng gia tăng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế với các mặt hàng da giày về 0%. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ ngày càng gia tăng. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho biết chi phí tuân thủ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản phẩm da giày.
“Chúng tôi e ngại rằng khi các nước bổ sung thêm các quy định thì các chính sách khác cũng tiếp tục gia tăng, chi phí tuân thủ gia tăng”, bà Xuân cho biết lúc này doanh nghiệp phải xem xét với mức thuế được giảm và chi phí tuân thủ sẽ như thế nào.
“Nếu chi phí tuân thủ ngày càng lớn thì việc được giảm thuế cũng không còn là lợi thế nữa. Một yêu cầu về môi trường hay lao động nhưng nhãn hàng cũng yêu cầu, các nước cũng yêu cầu đáp ứng trong các chính sách bắt buộc. Như vậy cùng 1 yêu cầu nhưng phải thực hiện 3 lần kiểm toán nhà máy, gây gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp”.
Không chỉ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đặt ra hàng rào kĩ thuật, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết rất nhiều quy định xanh mới sẽ được EU áp dụng. Đơn cử là Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) - một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu – chiến lược giúp EU giảm phát thải sớm nhất có thể vào 2050.
CEAP có thể ảnh hưởng tới 7 nhóm lĩnh vực chính ảnh hưởng như thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, pin, bao bì, nhựa, dệt may – da giày… Các quy định của CEAP chi tiết từng nhóm hàng, lĩnh vực, trong đó quy định quan trọng là thiết kế sinh thái sản phẩm bền vững, đã có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may, da giày, nhựa, bao bì.
“Quy định thiết kế sinh thái sẽ hạn chế việc tiêu hủy sản phẩm dệt may, sản phẩm hộ chiếu kĩ thuật số… Đây là những quy định phức tạp. Bản thân chúng tôi cũng đã có nghiên cứu, nhưng EU vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết (dự kiến trong 2025, 2026)”, ông Hưng cho biết.
Trái ngọt từ việc thay đổi
Hiện nay, 70-80% sản lượng của ngành dệt may, da giày phục vụ cho cuất khẩu. “Hàng rào xanh” đang đặt doanh nghiệp ngành dệt may, da giày trước thế lưỡng nan. Nếu không tuân thủ thì sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa. Nhưng việc tuân thủ buộc doanh nghiệp không chỉ bỏ ra nguồn lực đầu tư lớn để thay đổi công nghệ, mà phải thay đổi cả tư duy sản xuất, quản trị. Nhiều chủ doanh nghiệp gọi chúng không khác gì cuộc “thay máu” trong sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, cuộc “thay máu” này sẽ lợi nhiều hơn thiệt, thậm chí phần lợi ích có thể nhìn thấy ngay sau khi doanh nghiệp chuyển đổi.
Lấy ví dụ từ việc Tổng Công ty chuyển lò hơi nước đốt than sang lò đốt điện giảm phát thải ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe người lao động, ông Hưng cho biết mặc dù tiền điện tiêu thụ gia tăng nhưng đổi lại giảm chi phí nhân công phục vụ cho hệ thống đốt đó.
Hay việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái giúp nhà máy đảm bảo 80-100% lượng điện sản xuất, hạn chế rủi ro từ việc cắt điện luân phiên trong mùa cao điểm. Bên cạnh đó, lượng điện dư thừa từ điện mặt trời áp mái trước đây không thể bán lên lưới điện, thì giờ đã có nhà đầu tư thuê lại và bán cho doanh nghiệp khác với điện giảm từ 15-20% so với giá điện thông thường, cũng mang lại nguồn lợi cho các nhà máy.
“Mỗi tháng chúng tôi có 4 hợp đồng từ 4 doanh nghiệp thì cũng có thêm 500 triệu đến cả tỷ đồng. Cả hệ thống chúng tôi có 13 doanh nghiệp thì con số này cũng đáng kể”, ông Dương chia sẻ.
Việc đầu tư hệ thống máy cắt tự động tuy tốn kém giai đoạn đầu nhưng cũng giúp công ty này tiết kiệm chi phí nguyên liệu, mức độ chính xác tốt hơn. Hay vấn đề kinh tế tuần hoàn, công ty này đã có hoạt động như bán vải vụn cho các tổ hợp thu gom để tái chế sản phẩm khác như chăn, vật dụng nhỏ, hay vải nilon vụn bán lại cho các đơn vị chuyên sản xuất mút cho ngành dệt may…
Ông Dương nhấn mạnh việc chuyển đổi này rất cần sự quyết tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là những người lãnh đạo.
Về phía Hiệp hội Da giày, lãnh đạo Hiệp hội này mong muốn cơ quan chức năng cần nghiên cứu để làm việc với các nước bạn để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt các hiệp định, quy định mới từ thị trường nhập khẩu.
“Để tiếp cận với một thị trường và đàm phán đi đến 1 đơn hàng kí kết không đơn giản. Ngành da giày tham gia vào chuỗi toàn cầu khá lớn, làm cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas, khi các hiệp định được mở ra, đồng nghĩa với việc các nhãn hàng cũng tận dụng tốt để đi vào các thị trường mới. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với nhãn hàng nội địa chưa tận dụng được để vào thị trường. Ngoài hoạt động xúc tiến của phía Việt Nam thì các cơ quan xúc tiến của hai bên nên làm việc, tận dụng nguồn lực để xúc tiến xuất khẩu”, bà Xuân kiến nghị.
Ở góc độ cơ quan chức năng, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho biết hiện nay doanh nghiệp đang đối diện với nhiều nguồn thông tin không chính xác. Ví dụ ngoài CEAP, EU cũng ban hành một loạt các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM. Vị này khuyến nghị doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin vì phía EU có thể liên tục cập nhật, thay đổi quy định.
“Có doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm cũng hỏi tôi về CBAM vì lo sợ sẽ ảnh hưởng tới họ. Nhưng thực tế CBAM hiện mới chỉ áp dụng tới một số lĩnh vực công nghiệp phát thải lớn như xi măng, sắt thép… Do vậy doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình thông tin đúng, chính xác, đầy đủ”, ông Hưng nói.