Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến cả đầu năm 2025
(DNTO) - Dệt may Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực nhờ việc nỗ lực đa dạng hóa thị trường và khách hàng. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành có đơn hàng dồi dào và đạt kế hoạch doanh thu sớm.
8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt hơn 28 tỷ USD, tăng 6,19% so cùng kỳ năm trước, theo Vitas. Đây là con số ấn tượng vì chỉ cách đây 1 năm, các doanh nghiệp trong ngành đang đau đầu đối diện với việc cắt giảm đơn hàng từ các đối tác, thị trường do lo ngại về kinh tế suy thoái.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết với đà tăng trưởng này, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay của ngành có thể đạt được. Bởi bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, các thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp thời trang tại Hoa Kỳ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam đang được quan tâm, trong đó xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bền vững gia tăng.
“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm nay, thậm chí đầu năm sau”, ông Giang cho biết.
Theo vị này, ngành dệt may sau nhiều năm xuất khẩu cũng đã linh hoạt, thích ứng hơn với sự thay đổi của thị trường. Nếu trước đây, các doanh nghiệp chưa bao giờ sản xuất đơn hàng cho 1 dòng sản phẩm đơn lẻ. Giờ đây, rất nhiều doanh nghiệp đã tiếp nhận những đơn hàng như sản phẩm sơ mi đơn lẻ, vecton đơn lẻ.
“Có doanh nghiệp sản xuất 8 triệu sản phẩm một năm chỉ riêng với đơn hàng đơn lẻ. Riêng ngành vecton, là sản phẩm rất khó, trước đây sản xuất công nghiệp, 2 năm vừa qua cũng sản xuất đơn hàng đơn lẻ, chuyên dòng bộ vecton hay dòng áo demi vecton”, ông Giang nói.
Về phía thị trường EU, trong số các quốc gia đang phát triển xuất khẩu sản phẩm dệt may sang khối này, thì các quốc gia như: Bangladesh, Campuchia hay Pakistan đều có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Đặc biệt là Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA; Pakistan được miễn thuế nhập khẩu theo “Chương trình GSP+”. Còn Việt Nam chỉ được hưởng “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%.
Nhưng từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như: Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Vitas, bên cạnh thuận lợi thì ngành cũng đang chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn đánh giá. Mỗi nhãn hàng đặt ra tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về tính ổn định, bền vững và tính minh bạch trong chính sách giá đồng. Chưa kể là những thách thức về cách mua hàng và cách thức thanh toán. Trước đây, các đối tác còn áp dụng hình thức thanh toán LC at sight (trả ngay sau 5 ngày làm việc khi xuất trình chứng từ phù hợp), nhưng hiện giờ tất cả đơn hàng xuất khẩu đều chuyển sang hình thức thanh toán TT trả chậm, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Thời gian thanh toán TT trả chậm có thể 45 ngày, 60 ngày, 80 ngày, thậm chí có đơn hàng ép trả chậm thanh toán tới 120 ngày. Chúng tôi đang tiếp tục phải đàm phán với các nhà mua hàng để hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu cho các doanh nghiệp”, ông Giang nói.
Một thách thức lớn hơn cả với ngành dệt may Việt Nam là các tiêu chuẩn xanh của EU, Mỹ đang ngày càng khắt khe hơn. Các chính sách xanh này được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong toàn bộ chu trình sản xuất và tiêu dùng, từ thiết kế đến tái chế, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi xanh trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất.
Hiện các đối thủ cạnh tranh chính của dệt may Việt Nam tại thị trường EU, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ASEAN như Myanmar, Campuchia, Lào và Indonesia, đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nhiều nước trong số này đã và đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất dệt may bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải áp lực chuyển đổi xanh rất lớn để duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường xuất khẩu.