Kinh tế Việt Nam 'vượt ngàn chông gai' cán đích ấn tượng: GDP tăng 7,09%, xuất khẩu vượt 786 tỷ USD
(DNTO) - Vượt qua nhiều thách thức, GDP năm 2024 tăng 7,09%, cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế, cùng với đó là hàng loạt chỉ tiêu khởi sắc khác là tiền đề quan trọng để "lấy đà" đón năm 2025 thuận lợi, khi cả nước đang hừng hực khí thế, tự tin, khát vọng chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới.
Tính đến tháng 12/2024, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn. Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,8%; VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP năm 2024, 2025 lên 6,5%; HSBC nâng dự báo tăng trưởng lên 7%; IMF nâng lên 6,8%. Doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực, đồng thời khẳng định vị thế của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê nhận định tại công bố báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý 4 và cả năm 2024 sáng 6/1.
Cụ thể, tính chung cả năm 2024, GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước - cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế.
Tính chung cả năm 2024, GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước - cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%. Khu vực đóng góp nhiều nhất vào nền kinh tế là khu vực dịch vụ với mức tăng 7,38%.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Trong năm 2024, xuất siêu sang Mỹ đạt 104,6 tỷ USD tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%. Còn nhập siêu từ Trung Quốc đạt 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%.
“Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, bà Hương cho hay.
Đáng chú ý, vốn thực hiện của các dự án FDI trong năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7,2%. Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, bất chấp những khó khăn và biến động kinh tế toàn cầu.
Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.
Vượt qua nhiều thách thức, sản xuất công nghiệp năm 2024 đã về đích với mức tăng trưởng 8,4%. Kết quả này không những vượt chỉ tiêu được đề ra từ đầu năm (kế hoạch tăng 7 - 8%), mà còn là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm... tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Lạm phát (CPI) bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thu ngân sách cả năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với dự toán và tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Đây là một nỗ lực rất lớn và là một thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Nhờ đó, chúng ta có nguồn lực để đầu tư vào sân bay, bến cảng; xây dựng các công trình hạ tầng như đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
Ưu tiên cao nhất cho thúc đẩy tăng trưởng
Điểm nhấn lạc quan của năm 2024 là những công trình hạ tầng trọng điểm lần lượt về đích với tinh thần thi công “vượt nắng thắng mưa”, điển hình như dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên).
Năm 2025 được nhận định là năm có nhiều bệ phóng thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng.
Đó là dự kiến tái khởi động dự án điện hạt nhân, chuẩn bị xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, rồi chuẩn bị cho Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như thành lập các khu thương mại tự do tại một số địa phương… sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển mới cho các địa phương, cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng tình với định hướng của Thủ tướng là phải kiến tạo, tăng chất, tăng động lực cho "cỗ xe tam mã" gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, phải làm mới động lực tiêu dùng bằng cách phải khoan sức dân, sửa ngay thuế thu nhập cá nhân vì tiêu dùng đóng góp khoảng 50% tăng trưởng GDP của quốc gia.
Bên cạnh đó, phải thu hút thêm khách du lịch quốc tế để "xuất khẩu tại chỗ" - thêm sức cho trụ cột tăng trưởng tiêu dùng. Làm mới động lực đầu tư, phải mở rộng chính sách tài khóa ở trong tầm kiểm soát để có thêm nguồn vốn cho đầu tư. Vốn đầu tư Nhà nước sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn nước ngoài, mở thêm doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải sửa Luật Quản lý vốn Nhà nước để khuyến khích khai thác hiệu quả khối tài sản hàng triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ; gỡ vướng, khởi động lại các dự án "đắp chiếu", nhất là các dự án bất động sản; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các đầu tàu kinh tế của quốc gia, cho 10 địa phương có GDP lớn nhất nước trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong năm tới, chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh… Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ quyết tâm tăng trưởng 2 con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, và Luật Đấu thầu… đã được thông qua. Các tư tưởng lớn, đột phá trong các luật này, với tinh thần “kiến tạo phát triển”, sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực lâu nay bị ách tắc, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư - kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế.
"Thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Phải coi thể chế là "đột phá của đột phá", cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và giải quyết các vướng mắc pháp lý. Đặc biệt, cần xóa bỏ cơ chế xin cho, khuyến khích địa phương tự quyết và chịu trách nhiệm. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.