Kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng 2 con số
(DNTO) - Những quyết định đột phá trong cải cách thể chế trong năm vừa qua sẽ giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 ở mức 6,82%. Dù chưa có những con số cuối cùng nhưng các dự báo nhận định tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), đạt khoảng 7%, thậm chí là hơn 7%, nếu tất cả cùng nỗ lực. Có thể nói, Việt Nam đã có một năm thành công trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Trong bài viết đầu xuân năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nỗ lực tối đa, tạo đột phá thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để năm 2025 tăng trưởng ít nhất 8%, từ 2026 đạt hai con số. Thủ tướng nhấn mạnh việc Việt Nam có nhiều thuận lợi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng ông cũng cho rằng thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cần được tập trung tháo gỡ.
Chia sẻ trong Talkshow “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2025: Quỹ đạo tăng trưởng mới” hôm 1/1, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định xu hướng thay đổi tích cực của nền kinh tế trong năm qua đến từ sự thay đổi nội tại trong nước, quan trọng nhất là tư duy mới và sự quyết tâm cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi.
Việc cải cách thể chế nếu diễn ra đúng như định hướng sẽ tạo ra 2 tác động. Một là tạo ra cơ hội mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai là thúc đẩy hơn các cơ hội mà chúng ta đã có. Nếu duy trì sự quyết tâm cải cách thể chế và hiện thực hóa càng sớm càng tốt thì các mục tiêu đề ra trong năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được.
“Việc cải cách thể chế lần này có rất nhiều điểm mới, sát sườn với nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, hay thúc đẩy nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm… Nếu như thành hiện thực sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro, tăng sự yên tâm, tin cậy để doanh nghiệp tự tin đầu tư dài hạn, tăng khả năng chớp cơ hội”, ông Hiếu nói.
Đặc biệt, tư duy cải cách thể chế không còn định hướng trên văn bản mà ngay lập tức biến thành hành động cụ thể. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, lần đầu tiên có 7 dự thảo luật và 1 nghị quyết được Chính phủ trình và yêu cầu Quốc hội xem xét và thông qua trong 1 kỳ họp.
Hay ngay từ đầu năm, Chính phủ đã mạnh dạn trình để một số dự thảo luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng và có cả những dự án luật mà ông Hiếu cho rằng rất đột phá, táo bạo như một luật sửa 9 luật, một luật sửa 4 luật. Trong đó đưa ra những quy trình đầu tư chưa có tiền lệ là quy trình đầu tư đặc biệt theo luật đầu tư. Tức hoàn toàn áp dụng nguyên tắc hậu kiểm.
“Quan điểm điều chỉnh luật của Quốc hội hiện nay cũng rất mới. Tức không e ngại việc sửa ngay các luật dù mới thông qua để giải quyết vướng mắc. Ví dụ Luật Đất đai chưa có hiệu lực nhưng đã được sửa để đưa Luật có hiệu lực sớm hơn trước thời hạn 5 tháng. Chúng ta vẫn thường lo ngại câu chuyện thực thi chính sách, tôi cho rằng nếu đó là vấn đề của luật pháp thì chúng ta có thể sửa ngay. Còn nếu nó là vấn đề của thực tiễn, của quá trình thi hành thì rất mong Chính phủ yêu cầu các bộ ngành chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh nghiêm túc công tác này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng sự tăng trưởng tích cực của năm 2025 vẫn đi kèm chữ “nếu”. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng tốt hơn nếu chúng ta thực hiện việc cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tốt hơn.
Ở góc độ người làm chính sách, ông Hiếu cho rằng có một số khó khăn với doanh nghiệp cũng không dễ giải quyết. Ví dụ theo nhiều cuộc khảo sát, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác thị trường, đặc biệt thị trường quốc tế lại có tính cạnh tranh cao. Thậm chí doanh nghiệp khó khăn ngay cả ở thị trường trong nước.
Nếu đặt lên bàn cân giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đa phần năng lực doanh nghiệp nội địa còn yếu. Doanh nghiệp trong nước hiện nay còn gặp áp lực từ thương mại điện tử xuyên biên giới, vấn đề tiếp cận vốn, nhân lực, công nghệ…
Vì vậy, vị Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị khi làm chính sách phải đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, tránh cào bằng. Cụ thể, chúng ta đặt trọng tâm phát huy nội lực, như vậy các quy định có liên quan phải hỗ trợ cho mục tiêu đó.
Bên cạnh cơ quan làm chính sách, ông Hiếu nhấn mạnh đến việc phát huy hiệu quả của các cơ quan thực thi, đặc biệt loại bỏ tâm lý e dè, tăng chính chủ động, tích cực của việc triển khai chính sách đã được ban hành.