Không để doanh nghiệp Việt tụt hậu so với khối FDI
(DNTO) - Doanh nghiệp Việt muốn bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu trước hết phải thu hẹp khoảng cách so với những doanh nghiệp FDI đang hiện diện tại chính thị trường nội địa.
Khoảng cách khá lớn
Trong tổng số 369,93 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, chiếm phần lớn 71,9%.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu doanh nghiệp trong nước là 20%, cao hơn so với khối FDI là 12,4%, cho thấy sự nỗ lực và tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Nhưng con số xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn là khoảng cách khá lớn so với khối FDI.
Ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều thách thức, phần lớn do vẫn dựa vào hoạt động gia công, lao động giá rẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững.
Theo TS. Chứ Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, so với 65 - 70% ở Thái Lan và Malaysia.
Về năng suất lao động, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ đạt khoảng 40-50% so với các nước trong khu vực, điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó cũng là lý do mặc dù lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khá hùng hậu nhưng còn có một khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI.
Đi nhanh hơn bằng công nghệ
Toàn ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 còn rất hạn chế, chỉ chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0.
Như vậy, những công nghệ mới như robot, IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gần như mới bắt đầu được áp dụng trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đây là công nghệ tác động trực tiếp đến việc tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Hơn hết, các công nghệ mới có khả năng giúp doanh nghiệp năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thế giới.
TS. Chử Đức Hoàng khuyến nghị doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ IoT và AI cần có chiến lược dữ liệu bài bản, được triển khai một cách có hệ thống và tuần tự thông qua 4 bước cơ bản.
Đầu tiên là đánh giá toàn diện hiện trạng và nhu cầu dữ liệu, để doanh nghiệp xác định rõ mình đang ở đâu và cần làm gì. Tiếp đến là thiết lập hệ thống thu thập và lưu trữ dữ liệu với các quy trình chuẩn hóa. Thứ ba là phân tích và khai thác dữ liệu chuyển hóa thành thông tin, giúp cho việc ra các quyết định. Cuối cùng, tối ưu hóa và cập nhật liên tục dữ liệu.
“Dựa trên dữ liệu từ các doanh nghiệp đã triển khai, có thể tiết kiệm 20 - 25% chi phí đầu tư công nghệ, giảm 30 - 40% thời gian đánh giá và lựa chọn công nghệ, đồng thời nâng cao 35 - 40% độ chính xác trong dự báo xu hướng công nghệ. Đặc biệt, tỷ lệ thành công trong các dự án đổi mới công nghệ tăng lên đáng kể, từ 45% lên tới 70 - 75% sau khi áp dụng hệ thống”, ông Hoàng cho biết.
Ở góc độ chính sách, theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, Bộ này sẽ tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước.
“Việc thúc đẩy khối FDI chuyển giao công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, bà Thắng nói.