Nhà cung ứng Việt vẫn khó làm việc với các 'ông lớn'
(DNTO) - Doanh nghiệp Việt đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng giá thành chưa thể cạnh tranh; hoặc giá cạnh tranh nhưng không đảm bảo đơn hàng ổn định cho tập đoàn toàn cầu, chưa nói đến các yếu tố mới như ESG.
Toyota Việt Nam hiện có 60 nhà cung ứng, trong đó 13 nhà cung ứng thuần Việt, tổng sản phẩm nội địa hóa lên tới con số hơn 1.000. Có những mẫu xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.
Chia sẻ trong toạ đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI” mới đây, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam khẳng định các nhà cung ứng Việt Nam rất tiềm năng. Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa giúp công ty FDI vững vàng hơn nhờ chủ động nguồn cung trong nước, giảm thiểu rui ro trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng như đại dịch vừa qua.
Đó là lý do trong 5 năm qua, Toyota Việt Nam đã sàng lọc hàng trăm doanh nghiệp và trực tiếp làm việc cụ thể với vài chục đơn vị để tìm kiếm nhà cung ứng. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết doanh nghiệp Việt vẫn cần tiếp tục nâng cao trình độ quản lý, quản trị sản xuất để bước sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với các tập đoàn toàn cầu, khi tìm kiếm đối tác mua hàng họ đều quan tâm đến các tiêu chí cơ bản: chất lượng, giá thành, tính ổn định. Thời gian tới họ sẽ tiếp tục quan tâm thêm các vấn đề ESG (môi trường- xã hội – quản trị). Nhưng ngay cả các tiêu chí cơ bản thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần cải thiện.
“Doanh nghiệp Việt có thể làm tốt chất lượng nhưng giá thành chưa thể cạnh tranh; hoặc giá cạnh tranh nhưng không đảm bảo đơn hàng ổn định cho tập đoàn toàn cầu”, ông nói và cho biết thêm “có những việc rất đơn giản như làm sao để đảm bảo an toàn trong nhà xưởng, nâng cao ý thức người lao động, cắt giảm rủi ro và chi phí... doanh nghiệp cần cải thiện”.
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 41,9%. Tỷ lệ cung ứng nội địa đến từ các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 17,2%, thấp so với các nước trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết phần lớn các doanh nghiệp của ta chủ yếu vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô, ít chế biến sâu hoặc làm gia công. Họ không chú trọng xây dựng thương hiệu hay bảo hộ sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp muốn phát triển nhưng lại quay về bài toán “con gà - quả trứng”, tức doanh nghiệp muốn đầu tư để chuyển đổi công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất nhưng lại thiếu vốn. Bên cạnh đó, yếu kém về quản trị khiến khả năng thẩm định chuỗi cung ứng để đáp ứng các FTA giảm đi. Bản thân tư duy của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa dám dũng cảm để xây dựng thương hiệu hay sản phẩm "Made in Vietnam" ở thị trường nước ngoài.
Bà Phương cũng nêu ra thực tế rằng không phải doanh nghiệp FDI nào vào Việt Nam cũng giống như Toyota sẽ trực tiếp tìm kiếm, đào tạo nhà cung ứng Việt để nâng tỷ lệ nội địa hóa. Đa phần doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đều mang theo chuỗi cung ứng của họ để tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Họ cũng muốn tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhưng đa phần doanh nghiệp của ta không đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, ngoài việc ràng buộc các doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cơ chế, chính sách thì bản thân doanh nghiệp Việt phải nỗ lực để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Đây là cách rút ngắn lộ trình hội nhập quốc tế nhanh nhất vì doanh nghiệp FDI là những nhà sản xuất toàn cầu, có năng lực vốn lớn, có quản trị chuyên nghiệp, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nhà cung ứng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech, cho biết đã phải mất rất nhiều công sức để xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ kinh nghiệm, vị này cho biết khi CNCTech tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, không chỉ là thay đổi mà thực sự chuyển mình, lột xác khỏi phương thức sản xuất, quản trị cũ. Tức không chỉ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mà còn phải đầu tư nâng cao kĩ thuật của người lao động, thậm chí thay đổi tư duy sản xuất của họ. Bên cạnh đó, còn phải thay đổi văn hóa công ty để hòa nhập với văn hóa của đối tác.
“Những việc chuyển đổi này tạo ra áp lực rất lớn. Có những đơn hàng phải giảm 30% thời gian sản xuất so với trước kia”, ông Trung nói. Nhưng điều này cũng mang đến cho CNCTech những cơ hội lớn khi nâng cao năng lực công nghệ, quản trị, phát triển nhân lực. “Điều đó giúp chúng tôi cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực từ Trung Quốc, điều mà trước đây doanh nghiệp Việt Nam khó làm được”.
Để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện CNCTech khuyến nghị doanh nghiệp Việt phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu. Cách quảng bá tốt nhất là tham gia hội chợ, hội thảo chuyên ngành quốc tế, đồng thời có chiến lược marketing thương hiệu bài bản. Như tại CNCTech, ban lãnh đạo quyết định thuê đơn vị marketing lớn từ nước ngoài để cùng đồng hành, đưa thương hiệu vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Rất nhiều chuyên gia nước ngoài khi xem Factory tour (tham quan nhà máy) của chúng tôi trên Youtube, họ rất ngạc nhiên và không tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển được như vậy, họ nghĩ đây là công ty của nước ngoài đầu tư và xây dựng”, ông Trung nói và cho biết rất nhiều khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Israel liên lạc trực tiếp với công ty chỉ dựa trên hồ sơ internet.