Doanh nghiệp Việt hưởng lợi khi chơi cùng các ‘đại bàng’
(DNTO) - Thực hiện quản trị sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã tăng năng suất và giảm tồn kho tới hàng chục %, bước chân vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Là một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn của những sản phẩm linh kiện trong ngành này ngày càng cao hơn để đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.
Đặc biệt với linh kiện ô tô, công ty nhận được những đòi hỏi đặt hàng từ các khách hàng châu Âu, Mỹ, yêu cầu cơ tính của sản phẩm nhôm phải cao hơn 20% so với tiêu chuẩn hiện hành. Đây là đòi hỏi gây khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa khi năng lực sản xuất còn yếu
Điều này buộc công ty phải đầu tư tìm kiếm nhân lực chất lượng cao, nhưng lực lượng này đang rất thiếu và yếu, cả về năng lực tay nghề cho đến ý thức tuân thủ quy định. “Có những tiêu chuẩn công việc rất đơn giản, nhưng khi hướng dẫn cho họ xong, họ lại làm cách khác”, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Sản xuất Khối hàng Linh kiện của KIMSEN, nói.
KIMSEN buộc phải nỗ lực tìm kiếm, hợp tác với các trường đại học trong nước nghiên cứu thử nghiệm thành phần vật liệu đầu vào, nhiệt luyện để nâng cao cơ tính. Một mặt tìm kiếm sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài.
Khi nhận được sự hỗ trợ từ Toyota và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trong chương trình nâng cao năng lực, KIMSEN có cú bứt phá: tiết kiệm hơn 800 m2 nhà xưởng, năng suất tăng 15%, tồn kho công đoạn giảm 28%, loại bỏ các thao tác thừa của công nhân trong sản xuất. Nhưng quan trọng nhất với công ty này là thay đổi được tư duy của người lao động.
“Mặc dù thay đổi tốt hơn cho họ nhưng công nhân rất ngại thay đổi vì thường làm việc theo thói quen. Tuy nhiên, qua chương trình này toàn bộ công nhân viên sẵn sàng thay đổi, đề nghị những ý tưởng cải tiến để chúng tôi nghiên cứu, áp dụng, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lãng phí. Cho đến hiện nay, hàng quý chúng tôi đều đó đánh giá cải tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có trao thưởng, vinh danh”, ông Hải cho hay.
Một nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra rằng, sự phụ thuộc của doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm từ hơn 63% năm 2022 lên 75% năm 2023. Các nhà cung cấp là hộ kinh doanh cũng tăng từ 13,42% lên 23,42%
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào tự sản xuất tương đối ổn định trong vài năm gần đây. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng đáng kể lên 14,3%.
Điều này khẳng định năng lực của các doanh nghiệp nội địa ngày càng được nâng cao, nếu như có chính sách hỗ trợ đúng hướng, kịp thời. Đơn cử như Samsung, số lượng nhà cung ứng cấp 1 và 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014, lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Điều này cũng nhờ vào các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực từ phía cơ quan chức năng và các tập đoàn lớn.
Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn khi xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng mạnh mẽ. Thời gian qua, Tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam. Tập đoàn Intel của Mỹ mở rộng giai đoạn II - Nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá 4 tỷ USD. Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương, tổng vốn 1 tỷ USD. Samsung cũng đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam và Ấn Độ… Nhiều tập đoàn lớn khác như Boeing, Google, Walmart... đang nghiên cứu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chỉ nói riêng ngành ô tô, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết ngành này có gần 30.000 linh kiện khác nhau. Như vậy các nhà cung ứng cũng có rất nhiều lựa chọn để tham gia các phân khúc sản phẩm phù hợp. Nhưng khó khăn là lựa chọn linh kiện nào phù hợp với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn là cạnh tranh từ các nhà cung ứng nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có, như Nghị định 111 cho tới nay vẫn còn hiệu lực, Nghị định 125 có nội dung hỗ trợ hoàn thuế nhập khẩu cho nhà cung ứng cấp 1… Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ thì đầu ra cũng cần đảm bảo.
“Sau khi nâng cao năng lực, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ đầu ra. Làm thế nào để khơi thông được đầu ra tại thị trường ô tô trong nước và hỗ trợ xuất khẩu. Việc này liên quan đến nhóm chính sách tạo lập thị trường. Ví dụ ngành ô tô, cần điều chỉnh luật thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ…”, ông Hiếu nói.