Dòng FDI chất lượng cao của EU vào Việt Nam có thể đảo chiều
(DNTO) - EU đang tập trung vực dậy thị trường nội khối, thắt chặt chi tiêu và hạn chế đầu tư ra bên ngoài... Điều này có thể tác động đến việc thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam.
‘Khẩu vị’ mới của các nhà đầu tư EU
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của Việt Nam. Về đầu tư, EU đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro.
Nhiều “đại bàng” từ EU đã sang Việt Nam từ rất sớm và đang hoạt động hiệu quả tại đây như BP (Anh – dầu khí), Shell Group (Hà Lan – dầu khí), Total Elf Fina (Pháp, Bỉ - dầu khí), Daimler Chrysler (Đức – ô tô), Siemen (Thụy Điển - thiết bị công nghiệp), Alcatel Comvik (Thụy Điển – đồ điện tử)…
“Sự tham gia của các nhà đầu tư châu Âu với ưu thế về công nghệ, góp phần tích cực trong việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, tạo ra một số ngành, nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao”, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương), nhận định.
Theo vị này, “khẩu vị” của các “cá mập” đến từ EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nhưng, kể từ sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được kí kết, dòng đầu tư trực tiếp của EU cũng như nước khác vào Việt Nam ngày càng thuận lợi. Ngoài lĩnh vực công nghệ cao, gần đây đã có nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển dịch sang các ngành dịch vụ chất lượng cao khác như tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, năng lượng, văn phòng cho thuê, bán lẻ, vận tải...
Tuy vậy, EU hiện đang tập trung vực dậy thị trường nội khối, thắt chặt chi tiêu và hạn chế đầu tư ra bên ngoài, đưa dòng vốn FDI quay trở lại khu vực. Theo ông Trịnh Minh Anh, điều này sẽ có những tác động nhất định đến việc thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cũng sẽ khiến chính sách của EU đối với ta cũng thay đổi.
“EU sẽ hướng đến các lĩnh vực phát triển khác ở Việt Nam như biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng bền vững, tăng cường thể chế...”, ông Minh Anh cho biết.
Cần chiến lược thu hút FDI dài hơi
Mặc dù thời gian qua, vốn FDI từ EU vào Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ (2-5%) so tổng số vốn FDI mà EU đầu tư trên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng con số này chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ hợp tác hai bên. Vì vậy, để gia tăng nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam, theo các chuyên gia, cần có chiến lược dài hơi với các giải pháp phù hợp.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, Việt Nam muốn duy trì sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan và thủ tục, quy trình phê duyệt đầu tư công.
Với thủ tục hải quan, ông Dominik Meichle khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình xử lý dữ liệu điện tử và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điều này giúp giảm sai sót, giảm thời gian và chi phí thông quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về thương mại.
Với các thủ tục đầu tư, quy trình phê duyệt đầu tư công, vị này khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục tạo thuận lợi cho cho quan hệ đối tác công tư bằng cách tạo ra các khuôn khổ rõ ràng hơn, giúp các doanh nghiệp châu Âu có kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng có điều kiện tham gia tốt hơn.
Ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết Việt Nam cần đa dạng hóa hình thức hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung toàn cầu cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Bên cạnh việc chuẩn bị quỹ đất sạch, các địa phương có thể chuẩn bị sẵn hạ tầng miễn phí để thu hút các nhà đầu tư, thay vì chỉ ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng ngay sau khi đầu tư”, ông Toàn khuyến nghị.
Ông Trịnh Minh Anh cho rằng 2 hiệp định EVFTA và IPA đóng vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ giữa hai bên. Tiếp tục triển khai tốt 2 hiệp định này là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, giầy dép, hàng nông sản...). Đồng thời, thông qua cơ chế ưu đãi từ 2 hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cao, trang thiết bị tiên tiến của EU, Khuôn khổ hiệp định cũng giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.