Chu kỳ đầu tư mới ở các khu công nghiệp
(DNTO) - Khi vướng mắc chính sách tháo gỡ, làn sóng chuyển dịch từ các khu công nghiệp thông thường sang các khu công nghiệp sinh thái sẽ ngày càng mạnh mẽ, tạo ra chu kỳ đầu tư mới cho các khu công nghiệp.
‘Cú hích’ từ Nghị định 35
Sau hơn 15 năm xây dựng và sau 8 năm tái cấu trúc chuyển từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái, đến năm 2023, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã thu hút được hơn 70 nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80%.
“Khi khu công nghiệp định hình là khu công nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, DDI họ cộng sinh với nhau và thấy lợi nhuận thì họ tham gia tích cực vào chuỗi cộng sinh này”, TS. Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIERA), cho biết.
Theo vị này, sau khi có Nghị định 35 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, các nhà đầu tư khu công nghiệp có cách nhìn thị trường chuẩn xác hơn, định hình rõ hơn về hướng phát triển và xu thế phát triển các khu công nghiệp. Vì vậy, tại các khu công nghiệp phía nam, đặc biệt khu vực TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long, đã được lấp đầy và bắt đầu chuẩn bị một chu kì đầu tư mới.
Các khu công nghiệp khu vực miền Trung vẫn còn mức giá thấp và mức thu hút đầu tư thấp do các nhà đầu tư hạ tầng chưa chú trọng làm marketing và phát triển thị trường.
Còn ở phía Bắc, các nhà đầu tư chuẩn bị kĩ lưỡng hơn về hạ tầng, chính sách, xu hướng đầu tư cũng như xu hướng đón các nhà đầu tư. Điển hình như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, là những tỉnh có thu hút đầu tư đặc biệt lớn trong 2 năm qua.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam cho biết trong 5 năm qua, từ 2018 đến nay, các khu công nghiệp phía Bắc trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và có sự gia tăng vốn đầu tư lớn từ các quốc gia khác nhau. Thu hút vốn đầu tư trung bình vào các khu công nghiệp ở Việt Nam luôn trên 10%, cao hơn mặt bằng chung khu vực Đông Nam Á, trái ngược với xu hướng đi xuống ở Trung Quốc là -3,8%.
“Trong Nghị định 35 chúng tôi nhìn thấy một hệ thống chính sách có sự tổng quát, tổng hợp và hướng dẫn chi tiết việc phát triển và quản lý khu công nghiệp. Nghị định lần đầu tiên đề cập chi tiết thế nào là khu công nghiệp sinh thái. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững”, bà Vân nói.
Tính đến tháng 5/2024, cả nước có 425 khu công nghiệp đã thành lập, trong đó 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại đang trong quá trình xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã hoạt động là 72,8%, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút hơn 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây, theo VARS.
Trong bối cảnh Việt Nam đang là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu sẽ là động lực để các khu công nghiệp chuyển dịch theo hướng xanh, bền vững, thu hút và giữ chân được các dự án FDI có chất lượng.
Phát triển theo chiều sâu
Ở giai đoạn trước, việc phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng tăng số lượng, gia tăng tỷ lệ lấp đầy, tức phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề. Theo đại diện JLL Việt Nam, trong giai đoạn tới, cần phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nhìn về các ngành nghề mũi nhọn như bài học thành công của các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
“Việc phát triển khu công nghiệp nếu nhìn theo hướng chuyên sâu và mũi nhọn sẽ giúp được doanh nghiệp trong đó có thể cộng sinh với nhau. Họ có thể sử dụng chung tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải… để cùng đạt được mục tiêu là giảm chi phí và giảm phát thải”, bà Vân nói.
Đầu tư khu công nghiệp sinh thái hiện nay là tất yếu khi xu hướng tiêu dùng của thế giới là tiêu dùng xanh, bền vững. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Điệp, chi phí khi xây dựng khu công nghiệp sinh thái cũng tăng cao hơn.
Trong Nghị định 35 dù đã có điều kiện ưu đãi đầu tư, nhưng các nhà đầu tư hạ tầng không thể áp dụng. Ví dụ trong nghị định có điều kiện chung chung là nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp… Nhưng tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ phải kinh doanh có lãi, nên rất khó để họ giải ngân cho vay.
“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ là để khuyến khích phát triển khu công nghiệp xanh, các nhà đầu tư xanh thì chính sách ưu đãi dành cho khu công nghiệp sinh thái phải ngang bằng với khu kinh tế. Chỉ cần như vậy là đủ, không cần phải làm gì thêm”, ông Điệp nói.
Ở góc độ chính sách, theo ông Điệp, Nghị định 35 là nghị định dưới luật, có nhiều điều khoản vướng đến các luật khác Luật Môi trường, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Tín dụng và các Nghị định khác… nên khó thực hiện nếu không điều chỉnh Luật.
“Ví dụ, nhiều đơn vị xây nhà ở cho công nhân dựa theo Luật Nhà ở nhưng không thể thu hút được công nhân vì họ thấy bất tiện. Giả sử một phòng cho công nhân 6-8 người ở nhưng theo quy định chỉ cần 1 nhà vệ sinh thì không đủ. Đời sống công nhân họ cao hơn về các tiện ích so với yêu cầu của luật.
Hay mới đây, Chính phủ cho phép lắp điện mặt trời ở mái nhà xưởng. Tuy nhiên, vấn đề phòng cháy chữa cháy như thế nào, đánh giá ĐTM (tác động môi trường) ra sao vì các nhà máy đều đã lập ĐTM. Đây cũng là khó khăn”, ông Điệp nói.
Đánh giá thực tế từ góc độ các doanh nghiệp đang thực hiện, TS. Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết những quy định liên quan đến tái sử dụng vật liệu hay mạng lưới cộng sinh trong khu công nghiệp hiện vẫn còn khó khăn, vì những hướng dẫn thực hiện thuộc trách nhiệm của nhiều bộ ngành khác nhau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng vai trò là cơ quan đầu mối đang rất cố gắng làm việc với từng bộ ngành để có sự hỗ trợ. Tuy nhiên, việc sửa đổi các văn bản pháp luật cần thời gian tương đối lâu nên chưa thể thực hiện ngay.
Về nguồn vốn, bà Hiếu cho biết đơn vị cũng đang làm việc với các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư về khí hậu để có cơ chế cho vay ưu đãi dành riêng cho hoạt động phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xây dựng luật riêng để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay.