Doanh nghiệp phụ trợ không thể mãi chờ chực xin đơn hàng từ khối FDI
(DNTO) - Ước tính, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo của khối doanh nghiệp nội địa chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm. Con số này quá nhỏ vì đa phần doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn phụ thuộc lớn vào khối FDI.
Đơn hàng dễ thì ít dần, đơn hàng khó thì không làm được
Chia sẻ trong Hội nghị giao ban với các thương vụ liên quan đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hôm 29/7, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết ước tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chỉ trực tiếp xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD giá trị hàng hóa. Còn lại, chủ yếu xuất khẩu gián tiếp qua khách hàng là các công ty FDI tại Việt Nam hoặc các công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Gần đây, các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Đặc biệt các công ty Mỹ tìm sản xuất OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) ở Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, một số công ty trong ngành đã định hướng chuyển sang sản xuất OEM.
“Nếu chờ các công ty FDI họ cho mình cái gì để làm thì mãi mãi mình chỉ làm được các linh kiện bên ngoài. Đương nhiên vẫn có giá trị nhưng sẽ luôn yếu kém hơn đối tác cung ứng ruột của họ. Những công ty sắp tới đầu tư ở Việt Nam cần nắm bắt trước nhu cầu của họ để các doanh nghiệp cung ứng nội địa chuẩn bị, nếu không sẽ không kịp. Vì khi họ vào thì các nhà cung ứng của họ đã sẵn có”, bà Bình nói.
Theo vị này, sản phẩm công nghiệp chế biến có thể xuất khẩu rất đa dạng, như các sản phẩm liên quan đến điện, cơ khí, nhựa, điện tử, cao su…Nhưng khó nhất vẫn là yêu cầu thành phẩm. Bởi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu linh kiện rời trong khi yêu cầu của thị trường thế giới là cụm linh kiện hoàn chỉnh hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. Trong khi đó, giá sản phẩm đang phải cạnh tranh với Trung Quốc.
“Ngành chế tạo mất rất nhiều thời gian, có khi 3 năm mới làm được 1 đơn hàng. Cho nên các thương vụ Hoa Kỳ, Canada, Đức, Áo… cũng gửi nhiều đơn hàng nhưng cũng phải kiên nhẫn vì doanh nghiệp hai bên cần thời gian”, bà Bình nói.
Phân tích kĩ hơn, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí (VAMI) cho biết, so với các ngành như dệt may, da giày, tiêu, điều, thì sản phẩm của ngành cơ khí muốn xuất khẩu cũng khó hơn. Đầu tư nhiều nhưng tiền thu về chậm, chuỗi cung ứng đòi hỏi một quá trình đủ tiêu chuẩn rất lâu. Thông thường các nhà đầu tư sang Việt Nam đều kéo theo nhà cung ứng trong hệ sinh thái của họ. Bản thân các doanh nghiệp trong VAMI cũng đã xuất khẩu, nhưng số lượng chưa nhiều, chủ yếu là khối FDI.
Ông Sáng cũng đồng tình rằng nếu doanh nghiệp nội địa chỉ trông chờ đơn hang từ doanh nghiệp nước ngoài thì khó tồn tại lâu dài, vì doanh nghiệp của ta không đủ năng lực, trong khi họ cũng phải ưu tiên cho hệ sinh thái của họ trước.
“Ông Quyền ở Texas (ông Nguyễn Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Texas, Hoa Kỳ) có giới thiệu cho chúng tôi một số mặt hàng nhưng mình lại không làm được. Muốn xuất khẩu được như Trung Quốc, Hàn Quốc… thì phải xây dựng thế mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí Việt Nam là gì, sau đó các thương vụ đi quảng bá cho việc đó, chứ không phải thương vụ lấy thông tin về cho doanh nghiệp Việt Nam và hỏi có làm được không để chào giá cạnh tranh, thì không bao giờ chào giá cạnh tranh được”, ông Sáng chia sẻ.
Một sân chơi lớn ở ngay nội địa
6 tháng đầu năm nay, chỉ số toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,8% so với cùng kì. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có thể trở thành nhà cung ứng của nhiều “ông lớn” sản xuất, điện tử thế giới. Với Samsung hiện đã có 51 nhà cung ứng cấp 1, 226 nhà cung ứng cấp 2 tại Việt Nam phục vụ; Toyota có 13/59 doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, theo Bộ Công thương.
Tuy nhiên, theo bà Bình, các nhà cung ứng cho Samsung hiện cũng yêu cầu dây chuyền mới rất cao. Còn nếu doanh nghiệp muốn làm linh kiện hoàn chỉnh thì phải làm theo dạng OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc), nhưng mức đầu tư mới cũng rất lớn, với doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó. Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất vay cực kì quan trọng với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
“Nếu hỗ trợ 3-4% như dự thảo Nghị định 111 thì cực kì quý. Ngoài ra, địa phương có thể hỗ trợ vì nếu chờ Chính phủ sẽ lâu hơn. TP.HCM đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cũng mong các tỉnh đang phát triển ngành này như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc nếu có quỹ có thể hỗ trợ 2-3% lãi suất vay thì doanh nghiệp mới có thể đầu tư được”, bà Bình kiến nghị.
Ông Sáng cũng cho rằng nếu chưa thể làm được sản phẩm xuất khẩu thì cần phát triển thị trường nội địa. Ví dụ như các chương trình phát triển hạ tầng như đường sắt nội đô, đường sắt nối các tỉnh từ nay đến 2025 với mức đầu tư gần 200 tỷ USD, hay phát triển điện gió gần 200 tỷ USD…, là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
“Một năm chúng ta xuất khẩu cơ khí chỉ 1 tỷ USD, nhưng thị trường nội địa chỉ 2 lĩnh vực trên là gần 400 tỷ USD lại chưa có định hướng, chính lược để làm chủ. Đề nghị Bộ Công thương có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp trong ngành để tham gia lĩnh vực đầu tư công”, ông Sáng nói.
Đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam lấy ví dụ từ Iran, một đất nước nhiều cấm vận nhưng họ đã tự chủ toàn bộ đường sắt. Họ kết hợp với CMN (Công ty đóng tàu Constructions Mécaniques de Normandie - Pháp) để nhận chuyển giao công nghệ. Khoảng hơn 100 đoàn tàu họ mua của CMN, trong đó nội địa hóa khoảng 30%-50%. Hay mới nhất, Iran dự định đóng 2.000 toa tàu metro và họ mua 600 cái của Trung Quốc với giá hỗ trợ xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa tại Iran là 55%.
Trong lĩnh vực đường sắt đô thị tại Việt Nam, ông này cho rằng nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực có thể kết hợp doanh nghiệp nước ngoài tốt nhất trong lĩnh vực này để cùng làm và chuyển giao công nghệ. Chính phủ nên có thêm những ưu đãi nhất định khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết để phát triển thị trường cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có rất nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia. Ví dụ ngành thép cũng cần chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, ngành cơ khí cũng cần các chính sách về đầu tư công, năng lượng, đường sắt mà Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới. Vì vậy, Cục này nỗ lực triển khai chính sách đã được thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tốt nhất.
“Chúng tôi cũng đề nghị địa phương khẩn trương có các giải pháp tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến chế tạo có điều kiện sản xuất kinh doanh ổn định. Đặc biệt các địa phương phải chủ động trong xây dựng chương trình phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của địa phương trên cơ sở chương trình hỗ trợ công nghiệp quốc gia mà Bộ Công thương đang tổ chức thực hiện”, ông Tuấn Anh nói.