‘Đại lộ’ mới cho ngành thép
(DNTO) - Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nhiều sản phẩm thép ngoại nhập, giá rẻ trong thời gian gần đây buộc ngành thép phải tìm ra con đường mới cho mình bằng các sản phẩm kĩ thuật cao, thay vì chỉ tập trung gia tăng sản xuất ở các sản phẩm cơ bản.
Ở bên ngoài, thép Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn các thành phần trong năm ngoái, đứng thứ 18 thế giới về xuất khẩu thép. Nhưng trong nước, một số sản phẩm thép của ta đang chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nhập. Điển hình là thép HRC đang có số lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất nội địa trong nửa đầu năm, mặc dù các nhà máy trong nước đã đáp ứng tới gần 70% nhu cầu cho loại thép này.
Nguyên nhân giá sản phẩm thép HRC từ một số thị trường rẻ hơn mức giá thép HRC nội địa. Cụ thể, giá thép HRC từ Trung Quốc thấp hơn mức giá chào trong nước khoảng 15-20 USD/tấn.
Hiện, Bộ Công thương đã chính thức tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước để làm rõ việc liệu thép HRC từ Trung Quốc, Ấn Độ có đang bán phá giá vào Việt Nam hay không, từ đó áp dụng mức thuế phù hợp. Nhưng cho dù kết quả cuối cùng của Bộ Công thương ra sao thì chúng ta cũng thừa nhận một điều rằng ngành thép đang gặp áp lực rất lớn trong phát triển.
Ông Phạm Công Thảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện chuỗi giá trị ngành thép từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Ngoài doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty thép Việt Nam, chúng ta đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn vươn tầm khu vực như Hòa Phát (6-7 triệu tấn/năm), Formosa là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có sản lượng tương tự.
Việt Nam đã sản xuất được các sản phẩm thông thường phục vụ cho nhu cầu cơ bản của nền kinh tế, thậm chí sản xuất vượt công suất. Tuy nhiên, còn một số đòi hỏi kĩ thuật cao như thép không gỉ, thép hợp kim phục vụ cho công nghiệp quốc phòng ta vẫn chưa làm được.
Mặc dù chúng ta có một số mỏ quặng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa khai thác được hiệu quả. Điều này dẫn tới phần lớn nguyên liệu sản xuất thép (quặng sắt, than luyện kim, thép phế) phải nhập khẩu, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành thép.
Chưa kể, thép là một trong những ngành phát thải lớn trên toàn cầu, lượng phát thải CO2 chiếm từ 7-9% tổng lượng phát thải ra môi trường. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến 2050 trung hòa carbon, nhưng với ngành thép, lộ trình này khá áp lực.
“Vì muốn thực hiện chuyển đổi xanh thì phải có chuyển đổi rất lớn về công nghệ, nhưng hiện có những công nghệ mới của chúng ta mới đang ở góc độ nghiên cứu. Với những công nghệ tiên tiến của các nước đi trước, Việt Nam vẫn chủ yếu ở góc độ ứng dụng. Vì vậy áp lực chuyển đổi rất lớn và áp lực tập trung vốn cũng rất lớn để chuyển đổi công nghệ”, ông Thảo phân tích.
Theo vị này, nếu xét về năng lực doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong ngành đều có thể hướng tới sản xuất thép chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, để ngành thép hướng tới sản xuất theo chiều sâu cần có các chính sách mở đường.
Bởi nhu cầu thép hiện tại của thị trường nội địa khá yếu do lĩnh vực bất động sản trầm lắng. Cho nên, Chính phủ cần có giải pháp kích thích nhu cầu trong nước, cụ thể là đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Trong dài hạn, Chính phủ cần có các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng vì nó liên quan đến phát triển kinh tế.
“Bài học từ Trung Quốc cho thấy không phải tự nhiên họ trở thành nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất trên thế giới, họ tiêu thụ 50% sản lượng thép thế giới. Thông qua chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia để kích thích nhu cầu”, ông Thảo lấy ví dụ.
Ngoài ra, đại diện VSA cho biết để thúc đẩy sản xuất xanh trong ngành thép thì cần tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình sản xuất thép vụn (thép phế liệu). Bởi trong sản xuất thép có 2 chu trình sản xuất chính, một là từ quặng, hai là từ phế liệu. Nếu sản xuất từ quặng phải sử dụng than, còn sản xuất từ thép phế liệu thì dùng điện. Do đó chu trình sản xuất từ thép phế liệu sạch hơn, với mức phát thải chỉ bằng 1/3 so với sản xuất từ quặng. Tuy vậy, thép vụn được quản lý rất chặt do các doanh nghiệp nhập khẩu trước kia làm không tốt.
“Khi nhìn về thép phế liệu, các cơ quan quản lý đang nhìn với khái niệm hơi tiêu cực, nên kiểm soát lại quá chặt, làm doanh nghiệp khó khăn trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu này, xin giấy phép rất phức tạp. Chúng tôi mong muốn chúng ta có cách nhìn chính xác hơn để ngành thép phát triển”, lãnh đạo VSA kiến nghị.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành thép mong muốn Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như sớm hoàn tất Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm để ngành công nghiệp thép có thể trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia.