Sản xuất thép, xi măng... cần phải siết vì ngốn quá nhiều điện
(DNTO) - Theo các chuyên gia, nguồn năng lượng lớn đang bị lãng phí ở nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Vì vậy, kiểm toán năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất phải được thực hiện như kiểm toán tài chính.
Siết những dự án mới tốn nhiều năng lượng
Trao đổi trong Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam hôm 12/10, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết nhu cầu năng lượng Việt nam tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021. Tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
Trong khi đó, cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện nay rất cao so với thế giới, cao gấp khoảng 3 lần các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore và cũng cao hơn rất nhiều mức tiêu thụ của thế giới. Hiện ngành công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cao nhất (54%) và có xu hướng gia tăng trong giai đoạn vừa qua, kế đến là ngành giao thông vận tải (16,7%), dân dụng (15,3%).
Việt Nam hiện có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Trong đó, 2.590 cơ sở sản xuất công nghiệp, còn lại bao gồm các cơ sở sản xuất nông nghiệp, vận tải, công trình xây dựng. Những cơ sở sản xuất công nghiệp thường tiêu thụ lượng điện lớn, đặc biệt là các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, giấy, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên.
Ông Dũng cho biết, để đảm bảo an ninh năng lượng, bên cạnh việc phát triển các nguồn cung năng lượng thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp quan trọng.
Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông đã được ban hành. Trong thời gian tới phải tập trung giải pháp khuyến khích những cái doanh nghiêp có mức tiêu thụ năng lượng hay cường độ năng lượng thấp và đồng thời hạn chế những ngành có cường độ năng lượng cao hay tiêu thụ năng lượng cao.
Vụ Tiết kiệm năng lượng cho biết đang đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm để trình Chính phủ và Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật giai đoạn tiếp theo. Hoạt động thứ hai là tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các đơn vị triển khai các giải pháp hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. Tiếp theo là đẩy mạnh công tác truyền thông.
Đặc biệt giai đoạn này, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát và đôn đốc đốc các doanh nghiệp tuân thủ theo các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
“Phải có cơ chế tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án có cường độ năng lượng cao và hạn chế những ngành sử dụng nhiều năng lượng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Dùng ‘lá bài’ kiểm toán năng lượng
Ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), cho biết trong tổng lượng điện thương phẩm của miền Bắc, điện cho công nghiệp, xây dựng chiếm tới 65%, điện cho sinh hoạt tiêu dùng chiếm từ 29-34%, còn lại là nông ngư nghiệp và kinh doanh dịch vụ.
“Như vậy, 2 lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm điện nhất mà chúng tôi bán cho khách hàng đó là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm và các hộ gia đình” ông Năm nói.
Dưới góc nhìn của một nhà bán điện, vị này cho biết có nhiều khó khăn để khách hàng tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn là chưa có cơ chế chính sách đồng bộ để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đổi mới công nghệ, những công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Theo nghiên cứu, ngành xi măng đang ngốn nhiều điện nhất, trung bình tiêu thụ khoảng 100kWh điện/tấn xi măng. Như vậy, với sản lượng hàng trăm triệu tấn xi măng mỗi năm ước tính sản xuất xi măng tiêu tốn khoảng hàng tỷ kWh điện, chưa kể là hàng triệu tấn đá vôi, trăm nghìn tấn than, thải ra môi trường hàng triệu tấn CO2… Với ngành thép cũng có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20-30%, nhưng phải đổi mới công nghệ.
“Địa bàn miền Bắc có rất nhiều nhà máy xi măng và thép lớn. Thực tế hệ thống đồng hồ đo điện hiện nay có thể lấy được biểu đồ sử dụng điện 30 phút một lần. Chúng tôi lắp thiết bị theo dõi ở các cơ sở sản xuất trọng điểm, thấy rằng có rất nhiều công đoạn ở các nhà máy hoàn toàn có thể thay đổi một phần công nghệ, trang thiết bị để giảm thiểu năng lượng tiêu thụ. Nhưng khi kiểm toán năng lượng cùng các trường đại học và các đơn vị tư vấn xuống các doanh nghiệp, hầu hết các cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp chỉ quan tâm đến vấn đề làm sao hệ thống điện của công ty hoạt động ổn định chứ chưa quan tâm đến việc sử dụng thế nào cho tiết kiệm”, ông Năm nêu thực trạng.
Tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam ngược lại với các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... nơi có những cán bộ được đào tạo và có những cơ chế quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho doanh nghiệp. Vì vậy để tiết kiệm hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sản xuất, theo lãnh đạo EVNNPC cần chính sách kiểm soát mạnh tay.
“Tôi mong muốn khi triển khai các nghị định, chính sách về tiết kiệm năng lượng, việc kiểm toán năng lượng tại các cơ sở sản xuất trọng điểm phải được thực hiện như các kiểm toán về tài chính, phải làm một cách thường xuyên và liên tục, được sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì nó mới hình thành thói quen của doanh nghiệp”, lãnh đạo EVNNPC nói.