Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn giúp điện than Việt Nam tiết kiệm 12 tỷ USD
(DNTO) - Đại diện AmCham cho biết việc hợp tác với Hội đồng than Hoa Kỳ sẽ giúp công ty điện than Việt Nam có kết quả kiểm chứng được chỉ trong vài tháng.
Hoa Kỳ có thể giúp gì?
Chia sẻ trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ hôm 13/9, ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham), cho biết các doanh nghiệp nước này rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.
Đơn cử như thời gian qua, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tích cực tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện từ LNG tại Việt Nam (cung cấp, tái hóa khí, xây dựng, vận hành và cung cấp tài chính cho LNG). Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên Henry Hub từ Hoa kỳ, hiện có giá khoảng 2,5 USD/triệu BTU.
LNG của Hoa Kỳ sẽ được cung cấp thông qua các hợp đồng dài hạn và cố định, tương tự như việc cung cấp cho châu Âu và Trung Quốc. Vào thời điểm một dự án LNG mới sẵn sàng được xây dựng, Hoa Kỳ sẽ có một cảng LNG ở bờ biển phía Tây đang hoạt động phục vụ cho châu Á.
"Hiện tại, một dự án của công ty Hoa Kỳ đã sẵn sàng triển khai, chỉ chờ ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN", đại diện AmCham tiết lộ.
Đối với điện than, vị này cho biết thông qua việc hợp tác với Hội đồng Than Hoa Kỳ, EVN và các công ty thành viên có thể đảm bảo nguồn điện chạy nền, đồng thời giảm phát thải, tạo ra nguồn điện sạch, giá cả phải chăng. Việt Nam đã thải 326 triệu tấn CO2 vào năm 2021. Với công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030 của Việt Nam.
Thay vì đầu tư vào các công nghệ có năng suất thấp, độ tin cậy thấp, chi phí dự án cao, Việt Nam có thể tiết kiệm tới 12 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách sử dụng công nghệ hiện có của các thành viên Hội đồng Than Hoa Kỳ. 12 tỷ USD tiết kiệm có thể được tái sử dụng vào các dự án khác nhằm giảm thiểu carbon trong sản xuất và phân phối điện.
“Chúng tôi mong muốn được ngồi lại với các công ty điện than Việt Nam để trao đổi về cách thức hợp tác giữa hai bên, với kết quả có thể kiểm chứng trong vài tháng”, ông John Rockhold nói.
Đại diện AmCham cũng cho biết quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có thể mang lại hàng trăm tỷ USD. Con số này có được từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này. Cụ thể là từ các xưởng đóng tàu và đúc thép, cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nguồn tài chính là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển chuỗi cung ứng độc lập và có khả năng nhân rộng ra quốc tế ở Việt Nam. Bằng cách tạo ra các cơ chế bảo lãnh, trong đó các bên cho vay của Hoa Kỳ có được sự đảm bảo cần thiết để cấp vốn cho các dự án chuyển dịch năng lượng quy mô lớn, Việt Nam có thể cải thiện khả năng cấp vốn của các ngân hàng, tiếp cận những hỗ trợ tài chính ưu đãi, chi phí thấp.
Cần gỡ rào cản pháp lý để đón dòng đầu tư
Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ cho rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, có thể dự đoán và hợp lý, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ thu hút đầu tư năng lượng và năng lượng mới, mà còn để duy trì và phát triển các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng hiện có.
AmCham đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và sửa đổi Luật Điện lực. Ủng hộ việc tích hợp các chính sách về năng lượng tái tạo thành một chương riêng trong quá trình sửa Luật Điện lực, thay vì xây dựng một Luật Năng lượng tái tạo mới.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng hoạt động của các nhà đầu tư điện và năng lượng hiện tại là cách quảng bá tốt nhất để thu hút nguồn đầu tư mới”, đại diện AmCham nhấn mạnh và cho biết khuyến khích Chính phủ làm rõ những điểm vướng mắc trong Luật Điện lực đang làm cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài. Đồng thời cân nhắc cẩn trọng đến các gánh nặng hành chính khi soạn thảo các dự thảo luật và quy định, tránh tạo thêm các gánh nặng.
Điều quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ khi lựa chọn Việt Nam, theo AmCham, là khả năng tiếp cận nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Bất kỳ quyết định nào của doanh nghiệp liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất hay chuyển dời chuỗi cung ứng đều cân nhắc đến các giải pháp năng lượng xanh.
Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, AmCham cho rằng Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, đáng tin cậy và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài. Do đó, các dự án cần phải thực tế và có khả năng sinh lợi để hút vốn.
“Việt Nam nên làm rõ các quy định pháp luật hiện tại để giải phóng nguồn vốn quốc tế đáng kể đang chờ đợi vào các dự án lưới điện mới. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện tái tạo và khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ cực kỳ hữu ích cho cả hai bên trong trường hợp không sử dụng lưới điện quốc gia, hay trường hợp sử dụng lưới điện quốc gia với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN được trả một mức phí cho việc sử dụng lưới điện”, đại diện AmCham khuyến nghị.