Bộ trưởng Bộ Công thương: Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 3.200 tỷ USD nhưng là thị trường siêu cạnh tranh
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội phát triển mới sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường này.
Đường lớn tiếp tục mở
Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam (từ ngày 10-11/9), ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có những trao đổi với báo chí về triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 30 năm Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều tăng hơn 275 lần, từ khoảng 450 triệu USD lên 124 tỷ USD (năm 2022).
Nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Điểm đặc biệt là hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…Trong khi Việt Nam có thể nhập khẩu từ nước này nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… với nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận, giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong những năm tới.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, hiện nay, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các Tập đoàn lớn Hoa Kỳ như Boeing, Intel, Apple, Walmart, Google, …ngày càng rõ nét. Họ đã bắt đầu nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định dài hạn của chuỗi cung ứng. Điều này đặt ra đòi hỏi Việt Nam cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp nội địa trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuẩn bị ngựa, xe thật tốt
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn. Năm ngoái, nước này nhập khẩu tới 3.277 tỷ USD. Nhưng đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, với sự hiện diện của các nhà sản xuất và cung ứng hàng đầu thế giới.
Chưa kể, thời gian gần đây, Hoa Kỳ tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trong nước. Đây là nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện. Các rào cản phi thuế có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp Việt và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường.
“Bộ Công Thương đang sát sao theo dõi việc này và phối hợp với các cơ quan, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có cho hai bên để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá.
Với Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng nội lực để thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong những lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Bộ trưởng Diên cũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi mới, không chỉ về giá cả, chất lượng mà còn là các tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”. Các doanh nghiệp Việt Nam không cách nào khác phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đó.
“Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn sản xuất xanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần sự hỗ trợ thực chất hơn trong lĩnh vực năng lượng
Trong lĩnh vực năng lượng, một trong những lĩnh vực hợp tác, chiến lược giữa hai bên, người đứng đầu Bộ Công thương cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang triển khai nhiều hợp tác từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu….
Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là cơ chế đối thoại thường niên nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng.
Sắp tới sẽ có thêm khung khổ hợp tác mới như Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Việt Nam đã đề nghị Hoa Kỳ có những hỗ trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả. Cụ thể như hỗ trợ tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực hay chuyển giao công nghệ liên quan đến các thiết bị điện gió, sản xuất các nhiên liệu mới (hydrogen, amoniac xanh) hay hỗ trợ xây dựng lưới điện thông minh…
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Việt Nam cần hỗ trợ thực chất chứ không chỉ đơn thuần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, thuê chuyên gia. Để Việt Nam tiến tới tự chủ các nguồn năng lượng mới, đưa giá năng lượng tái tạo về mức hợp lý với người dân.
“Có thể nhận định, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có năng lượng sẽ tiếp tục chiếm ưu tiên cao, đóng vai trò động lực thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương thời gian tới”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.