Giao EVN tính khung giá điện có hợp lý?
(DNTO) - Theo chuyên gia, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc Bộ Công thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán khung giá điện khó đảm bảo tính khách quan.
Dựa vào đâu EVN được tính toán khung giá điện?
Dự thảo Thông tư khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió của Bộ Công thương đang được lấy ý kiến. Theo đó, EVN được giao tính toán khung giá phát điện và trình Bộ này thẩm định trước 1/11 hàng năm. Đây là cơ sở để chủ đầu tư triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời, điện gió và thực hiện đàm phán mua bán điện với EVN.
Lý giải về việc giao EVN tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió, Bộ Công thương cho biết đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, Luật Điện lực sửa đổi quy định khung giá phát điện do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phê duyệt. Nghị định số 137 thi hành Luật Điện lực nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương là quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện.
Như vậy, theo Bộ Công Thương, EVN có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện dự án điện gió, điện mặt trời trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định. Bộ Công thương sẽ đơn vị này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, phê duyệt áp dụng giá đối với dự án điện mặt trời, điện gió. EVN có trách nhiệm tính toán hoặc thuê tư vấn tính toán, trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến kết quả tính toán khung giá thông qua Hội đồng tư vấn do Bộ Công Thương thành lập.
Dự thảo cũng đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý công khai tại website Chính phủ, Bộ Công Thương từ 29/8 theo đúng quy và dự kiến ban hành trong năm 2023.
Băn khoăn về tính khách quan
Bày tỏ quan điểm về việc này, GS TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng không nên giao EVN tính toán khung giá điện, vì nhiều nhà đầu tư không an tâm vì không biết áp dụng khung giá đã kí hay phải đàm phán lại hợp đồng mua bán điện với EVN theo khung giá mới.
Trọng tâm của việc xây dựng cơ chế giá điện là thu hút và hạn chế rủi ro về giá đối với các nhà đầu tư điện tái tạo. Do vậy, giá điện cần có sự thống nhất giữa bên bán (nhà đầu tư) với bên mua (EVN).
“Nếu giá không hợp lý có quyền khiếu nại tới Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công Thương. Chúng ta phải theo dõi được bao nhiêu dự án được đề xuất, phê duyệt và triển khai. Nếu số lượng dự án quá thấp thì có vấn đề, Bộ Công thương cần phải can thiệp để tháo gỡ”, ông Long nói.
Đáng chú ý, Dự thảo cũng quy định khung giá tính theo loại hình nhà máy điện mặt trời ở từng vùng miền Bắc - Trung - Nam. Theo chuyên gia, Quy hoạch điện VIII khuyến khích, ưu tiên phát triển điện mặt trời tại miền Bắc – nơi có bức xạ mặt trời thấp, nên cơ chế khung giá cao hơn miền Trung và miền Nam là hợp lý để khuyến khích đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cần xác định và giải thích cụ thể về cường độ bức xạ mặt trời ở từng vùng miền, để có mức giá khác nhau tùy thuộc vào cường độ bức xạ. Ví dụ khu vực cường độ bức xạ mặt trời cao thì có thể giá sẽ thấp hơn khu vực cường độ bức xạ yếu. Sau đó, đề xuất biểu giá để bên mua và bên bán nhanh chóng thảo luận. Nếu bên mua và bán không thống nhất được về giá, có thể thông qua Cục điều tiết điện lực giải thích hoặc đề xuất với Chính phủ mức giá hợp lý hơn.
“Các bên nên sớm đàm phán để đi đến thỏa thuận. Nếu có điểm chưa hợp lý thì đề xuất với Bộ Công thương để cùng ngồi lại giải quyết”, GS TSKH Trần Đình Long đề xuất.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khuyến nghị Bộ Công Thương cần nhanh chóng xây dựng biểu giá lâu dài. Đây là cơ sở để ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA), giúp các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, Nhà nước cũng có kế hoạch dài hạn để phát triển lĩnh vực này.