Chuyên gia: Muốn không thiếu điện thì phải tăng giá điện
(DNTO) - PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết để khuyến khích các nhà đầu tư, vì nếu không đủ điện thì cái giá phải trả cao hơn nhiều việc tăng giá điện.
Theo quy đổi của Global Petrol Prices, giá điện của Việt Nam ở mức 0,08 USD/kWh (1.878 đồng/kWh), rẻ bằng 1/2 giá điện trung bình của thế giới khoảng 0,17 USD/kWh. Đồng thời cũng rẻ hơn một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia (0,097 USD/kWh - 2.277 đồng/kWh), Thái Lan (0,122 USD/kWh - 2.863 đồng/kWh), Philippines (0,175 USD/kWh - 4.108 đồng/kWh), Singapore (0,238 USD/kWh - 5.587 đồng/kWh) và cao hơn một số nước như Myanmar, Lào, Malaysia.
Dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng, sẽ tính thêm khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ.
Theo Bộ Công Thương, chi phí mua nhiên liệu sản xuất điện tăng vọt trong khi giá bán lẻ điện giữ ổn định, dẫn tới EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022. Nếu EVN tiếp tục thua lỗ cũng ảnh hưởng tới việc bảo toàn vốn Nhà nước. Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ 4/5 đã giải quyết một phần khó khăn dòng tiền của EVN. Do đó, dự thảo cũng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần.
Không có điện mới lo ngại
Việc điều chỉnh giá điện thường gặp nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt phản ứng từ người dân, doanh nghiệp. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong hệ thống kinh tế thị trường, nguyên tắc, cơ chế xuyên suốt bảo đảm hiệu quả hoạt động là yếu tố cạnh tranh. Vì vậy một hệ thống điện vận hành hiệu quả hay không thì phải xem nó có tuân thủ nguyên tắc thị trường hay không. Vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng liên quan đến việc có sử dụng đúng nguyên tắc cạnh tranh hay không.
Giá cả thị trường hay cách định giá sẽ tác động cả cung lẫn cầu và tạo ra điểm cân bằng hiệu quả giữa cung và cầu. Nhưng hiện nay, ông Thiên cho biết, với ngành điện vẫn chỉ nghiêng về bên cung, tức ra sức sản xuất làm sao để đáp ứng nhu cầu. Nên khi thiếu điện sẽ gặp rắc rối lớn từ truyền thông và dư luận xã hội.
“EVN lỗ nặng, ai dám đầu tư vào điện nếu giá điện và cơ chế giá điện không thay đổi”, ông Thiên nói.
Với hệ thống giá như hiện nay, theo vị chuyên gia, việc tiêu thụ và sản xuất điện trên bình diện quốc gia không thể hiệu quả. Ở đây là lỗi cơ chế định giá điện và duy trì mức giá điện quá thấp, điều đó ảnh hưởng cả cung và cầu. Giá điện thấp khuyến khích tiêu dùng điện nhưng không khuyến khích sản xuất điện. Dẫn đến thường xuyên đương đầu với tình trạng cực kì khó khăn về điện.
“Gần đây, giá điện được điều chỉnh, đặc biệt là giá điện năng lượng tái tạo điều chỉnh khá hào phóng trong thời gian dài, tự nhiên sản lượng điện tăng lên, giúp cho một phần quan trọng để thay đổi cán cân điện. Đây là điều mấu chốt để thấy rằng nếu giá điện và cơ chế làm giá điện không thay đổi thì chúng ta sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn là ít người đầu tư vào điện, trong khi đó lại khuyến khích những người sử dụng điện không hiệu quả vào Việt Nam, tích cực sử dụng điện của Việt Nam”, ông Thiên nói.
Quản lý điện như cách quản lý gạo
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ở Việt Nam có 2 ngành an ninh là an ninh năng lượng (điện) và an ninh lương thực (gạo). Trước đây, an ninh lương thực đã làm một điều “vĩ đại” là chuyển giá lương thực từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Lập tức Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực, thay đổi toàn bộ số phận của ngành lương thực.
Trong ngành năng lượng, với giá xăng dầu cơ bản đang gần tiếp cận đến cơ chế thị trường. Chỉ riêng ngành điện vẫn là giá cứng. Giống như an ninh lương thực, khi chuyển sang cơ chế thị trường, câu chuyện về nguồn cung cầu được giải quyết.
“Không nên trao cho EVN những nhiệm vụ của nhà nước, để cho họ cạnh tranh. Chúng ta e ngại nhiều quá thôi, chứ các doanh nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đủ năng lực để chuyển sang thị trường. Phải áp lực quốc tế, cạnh tranh quốc tế để chuyển sang thị trường”, vị này nhận định.
Đối với ngành năng lượng trong thời đại 4.0, theo ông Thiên, với sự phát triển của công nghệ, làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất, tiêu dùng và thị trường, vì vậy, việc quản lý cũng thay đổi. Những nỗ lực về mặt công nghệ, kĩ thuật là rất tốt nhưng có thể không sử dụng được, không vận hành được, thậm chí còn gây rủi ro cho người thực thi nếu cơ chế vận hành không tốt.
Bản thân cơ cấu ngành năng lượng cũng thay đổi với sự lên ngôi của năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, nếu phát triển tốt năng lượng tái tạo, vai vế trên thị trường thế giới cũng khác. Ngược lại, nếu thể chế chậm chễ cho so với việc chuyển dịch năng lượng thì rủi ro sẽ rất lớn, như những năm vừa qua, các nguồn năng lượng công nghệ cao bị lãng phí trong khi vẫn thiếu điện.
Các chủ thể tham gia ngành điện hiện tại cũng khác. Với điện áp mái, toàn dân có thể sản xuất điện. Người tiêu dùng điện cũng thay đổi, các thiết bị điện như điện thoại, hay tới đây là hệ thống pin, ắc quy để phục hệ thống ô tô điện… cũng rất lớn.
Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ngành năng lượng đang đặt trong thế cạnh tranh và liên kết toàn cầu, không thể chỉ do mỗi Chính phủ điều hành. Bởi các tập đoàn, công ty, lực lượng nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới chính sách và cả bên cung, bên cầu. Những chương trình tiết kiệm năng lượng hiện nay đã đề cập đến khía cạnh này, nhưng ứng xử với các chủ thể như thế nào phải bàn tới rất nhiều.
“Tới đây, lực lượng đầu tư điện gió ngoài khơi chắc chắn là những tập đoàn nước ngoài, hay đầu tư điện mặt trời, nhưng chủ thể không rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới chính sách rất mạnh và tác động tới môi trường rất mạnh. Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng chi phối 50% hệ thống điện tương lai của thế giới, như vậy cách ứng xử chính sách như thế nào cũng tác động rất lớn”, ông Thiên nói.