134 tỷ USD cho Quy hoạch điện 8: Không dùng vốn công thì phải có cơ chế 'xịn'
(DNTO) - Theo chuyên gia, nếu cơ chế không hấp dẫn, khuyến khích đầu tư thì việc huy động 134 tỷ USD cho Quy hoạch điện 8 sẽ là bài toán đánh đố.
Tờ trình Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ cho biết Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) sẽ cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện cho đến năm 2023. Giai đoạn 2031-2050, nhu cầu vốn lên tới 399 - 523 tỷ USD.
Đáng chú ý, đây là những khoản đầu tư rất lớn nhưng toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sẽ là vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn đầu tư công.Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu điện than nhằm hướng tới nỗ lực trung hòa carbon.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo thường rất lớn (hàng chục triệu USD), trong khi khả năng hoàn vốn chậm. Chưa kể, chi phí vật giá, tài chính gia tăng khiến khoản đầu tư này tăng 15-255 so với thời điểm năm 2020, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế IRENA.
Dẫu vậy, chi phí cao không phải là cản trở lớn nhất với các nhà đầu tư. Bởi năng lượng tái tạo là xu thế, tương lai, là khoản đầu tư đường dài khi cả thế giới hướng về trung hòa carbon vào năm 2050. Vấn đề các nhà đầu tư lo ngại nhất chính là những vướng mắc về chính sách cho năng lượng tái tạo còn hiện hữu.
Thời gian qua, khi Việt Nam “mở cửa” cho điện gió, điện mặt trời, khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước ồ ạt đổ tiền xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Nhưng những vướng mắc về cơ chế, thiếu hệ thống truyền tải khiến tình trạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam dư thừa mà không được sử dụng, trong khi tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra.
Một ngày không bán được điện, nhà đầu tư năng lượng tái tạo thêm một ngày gồng lỗ. Các nhà đầu tư khác muốn tham gia vào cũng e ngại vì cơ chế. Vì vậy, theo các chuyên gia, Quy hoạch điện 8 tiếp tục đặt ra mục tiêu thu hút vốn xã hội hóa cho ngành năng lượng, không dùng vốn công, thì buộc phải thay đổi cơ chế huy động vốn và giá điện.
PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thẳng thắn cho biết đây là một bài toán “đánh đố” nên cần sự phối hợp của Bộ Công thương và Bộ Tài chính trong việc xây dựng phương án chi tiết về xã hội hóa cho nguồn vốn này, như hình thức hợp tác công tư (BOT, BT), phương án thu hút đầu tư nước ngoài, giá điện làm sao để đảm bảo nhà đầu tư có lợi nhuận…
“Phương án không cho phép sử dụng vốn đầu tư công là câu chuyện không đơn giản. Thời gian qua, vướng mắc lớn nhất của ngành điện là giá điện do nhà nước quản lý rất “chặt”. Nhu nguồn lực lớn nhưng chưa có cơ chế chính sách giá thì rất khó huy động các thành phần kinh tế khác như tư nhân, nước ngoài. Bởi tham gia mà họ không thấy lợi nhuận thì Quy hoạch điện 8 khó có khả năng thực thi. Nên khó khăn nhất vẫn là vấn đề giá”, ông Long cho hay.
Hiện Bộ Công Thương đang đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn theo Quy hoạch điện 8. Nhưng theo PGS.TS Ngô Trí Long, 2 bộ này phải có sự phối hợp với nhau, thậm chí phối hợp cả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chứ không thể “đơn phương độc mã”, bởi Bộ Công thương vẫn là cơ quan quản lý chính trong lĩnh vực năng lượng.
Vị này kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá. Phải có đề án cụ thể liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài hay chính sách hỗ trợ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; cơ chế chính sách tài chính, tín dụng…
Bên cạnh việc nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực thiện Quy hoạch điện 8, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng cho rằng cần nhanh chóng xử lý vấn đề liên quan đến giá điện.
Đặc biệt, vấn đề xử lý đầu ra của các dự án năng lượng cũng cần phải rõ ràng bởi các dự án năng lượng tái tạo phụ thuộc rất lớn vào đầu ra (đấu nối, đưa lên lưới điện, giá điện… ). Nếu giải quyết được bài toán này sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, từ đó khơi thông được dòng vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thực tế, trong rất nhiều cuộc gặp cấp cao với Chính phủ Việt Nam, đại diện Chính phủ các nước cũng như doanh nghiệp ngoại quốc đến từ Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ… đều bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại đây. Như vậy để thấy dù vốn đầu tư lớn nhưng các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vẫn rất hào hứng với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Do đó, một cơ chế chính sách bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và lợi ích, chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư… là rất quan trọng và cần thiết. Điều đó không chỉ giúp Việt Nam có thể huy động đủ nguồn vốn cho ngành năng lượng, mà còn tạo ấn tượng tốt về môi trường đầu tư – kinh doanh, thu hút và giữ chân nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác.