Giảm gần 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, doanh nghiệp bỏ 1 đồng tiết kiệm 3 đồng
(DNTO) - Bài toán kinh tế giữa việc đầu tư hệ thống tiết kiệm năng lượng đã cho thấy hiệu quả khi nguồn lợi thu về gấp nhiều lần mức đầu tư.
Ngày 30/8, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững.
Theo Bộ Công thương, GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và 5,91% trong giai đoạn 2011-2015.Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp, trong khi việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Do đó, dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn, riêng dư địa tiết kiệm trong ngành công nghiệp lên đến 30 - 35%.
Cân não giữa bài toán chi phí – lợi ích
Tại Tòa nhà KICOTRANS (quận Tân Bình, TP.HCM), một hệ thống điều hòa trung tâm tích hợp giải pháp thông minh SmartDR64 được áp dụng thử nghiệm. Hệ thống này điều chỉnh phụ tải điện bằng cách khởi chạy thuật toán AI, phân tích dữ liệu vận hành hệ thống và lựa chọn dàn lạnh để điều chỉnh giảm công suất điện tiêu thụ mà vẫn đảm bảo sự thoải mái về nhiệt độ cho người dùng. Chỉ sau 2g mỗi ngày (ngày 24 và 25/3) áp dụng giải pháp tiết kiệm điện, KICOTRANS tiết kiệm tổng cộng 44 KW.
Ông Lê Tuấn Minh, Trưởng phòng Kinh doanh Giải pháp Daikin Việt Nam, đơn vị ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện thông minh SmartDR64 tại KICOTRANS cho biết, theo tính toán, tòa nhà này có 10 tầng, với 12 thiết bị/tầng, sử dụng trong 6 giờ. Nếu áp dụng giải pháp tiết kiệm điện có thể giảm thiểu 360KW-1.224 KW/ngày.
Từ lượng điện tiết kiệm được, tính nhanh với giá bán lẻ điện cho kinh doanh cho khung giờ bình thường là 2.666 đồng/kWh, ước tính một ngày, tòa nhà này có thể tiết kiệm từ 1 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng, KICOTRANS có thể tiết kiệm từ 30 đến gần 100 triệu đồng chi phí tiền điện.
“Daikin cam kết với khách hàng sẽ tiết giảm được ít nhất từ 8-15% lượng điện tiêu thụ tùy theo mỗi mức đầu tư”, đại diện cung cấp giải pháp tự tin khẳng định.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư 3- 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung.
Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chủ trương đường lối, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rõ ràng, song theo TS Vũ Đình Ánh, một mặt việc cụ thể hóa còn chậm nên các doanh nghiệp là chủ thể quan trọng thực thi Chương trình quốc gia về tiết kiệm điện còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Điều này dẫn đến trong doanh nghiệp, vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn. Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là còn nhiều doanh nghiệp đang sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, và không có đủ tài chính để đầu tư thay mới.
Theo TS Vũ Đình Ánh, việc dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao theo các chuyên gia đánh giá có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ. Bên cạnh đó, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và thậm chí có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho nhà cung cấp.
“Đánh” vào ý thức nhưng phải đúng đối tượng
Tổng hợp từ Bộ Công Thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP… cho thấy, mức lãng phí điện của Việt Nam rất cao, từ 10-50% theo từng ngành.
Giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặt mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 yêu cầu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Bên cạnh mục tiêu định lượng, Chương trình còn đặt mục tiêu định tính là thay đổi nhận thức, hành vi, hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.Theo TS. Vũ Đình Ánh, cần phải phân biệt rõ 2 khái niệm “tiết kiệm” và “sử dụng hiệu quả” để có hướng tuyên truyền cho đúng. Tiết kiệm tức thay vì dùng 10 phần năng lượng, nay giảm còn 8 phần. Còn hiệu quả tức 1 phần năng lượng trước tạo ra 10 sản phẩm thì nay phải nâng lên 15 sản phẩm.
Hiện tiêu thụ điện tại các doanh nghiệp công nghiệp chiếm 50% tổng lượng điện tiêu thụ cả nước. Tuy nhiên, theo ông Ánh, thời gian qua, việc tiết kiệm điện vẫn đặt nặng là tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho các hộ gia đình. Đó là lý do các chương trình tiết kiệm điện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là giải bài toán chi phí – lợi ích và nguồn lực tài chính đối mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị cũng như rủi ro chính sách.
“Nếu là doanh nghiệp thì họ luôn tính toán đến bài toán chi phí và lợi ích, rất khác với hộ cá nhân. Quan trọng nhất ở các doanh nghiệp là phải thay đổi trang thiết bị hiện đại để sử dụng năng lượng ít hơn nhưng năng suất cao hơn. Còn việc có 3 bóng đèn, tắt bớt 1 bóng nó cũng quan trọng nhưng không phải yếu tố cốt lõi để tiết kiệm năng lượng”, ông Ánh nói.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội, cho biết thành phố đã học hỏi các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc để tư vấn về hỗ trợ chuyển giao tài chính, nhưng chưa áp dụng thành công ở Việt Nam.
“Chúng ta đã học rồi nhưng các đơn vị tư vấn hỗ trợ năng lượng chưa hình thành được. Dẫn tới khi chúng tôi tư vấn, đánh giá về việc tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, nhưng chưa có đơn vị dẫn dắt đưa doanh nghiệp đến nguồn ngân hàng, dẫn đến việc vay vốn đầu tư cải tiến quy trình công nghệ là rất khó khăn”, ông Thắng nói.