Đài Loan đã làm thế nào để trở thành 'ông vua’ ngành sản xuất xe đạp? Bài 1: Đảo quốc xe đạp
(DNTO) - Nhắc đến Đài Loan, người ta thường nhớ đến TSMC, gã khổng lồ trong ngành công nghệ, nhưng thú vị thay, ngành sản xuất xe đạp lại đang đóng vai trò trụ cột kinh tế lớn thứ hai của đảo quốc này.
“Anh có thấy không? Tòa nhà Giant có hình dáng hệt như Đài Loan” - Dưới chân tòa nhà tổng hành dinh của hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới tại Đài Trung, Sherry Tsou, người làm việc cho Bảo tàng Văn hóa Đạp xe, hào hứng ca ngợi thành quả của kiến trúc sư tài năng Joshua Jih Pan.
Đảo quốc xe đạp
Đảo quốc Đài Loan không chỉ là nơi nuôi dưỡng gã khổng lồ ngành công nghệ sản xuất bán dẫn, TSMC, mà còn là ngôi nhà chung của hai hãng sản xuất xe đạp lớn thứ nhất và thứ nhì trên thế giới, Giant và Merida (được biết đến tại châu Âu dưới nhãn hiệu Centurion). Hơn thế nữa, đứng đằng sau hai công ty này là hàng loạt các hãng cung ứng, đứng đầu trong từng lĩnh vực của họ, sản xuất các phụ kiện từ xích xe, yên xe, đèn, thắng, bánh răng số,... cho đến pin điện.
Chỉ trong vòng nửa thế kỷ qua, Đài Loan đã lặng lẽ trở thành một đảo quốc cho xe đạp, thích ứng để vượt xa các đối thủ châu Âu và Mỹ. Tổng cộng, đất nước này có đến 900 công ty lớn nhỏ, chia sẻ các “miếng bánh” trong chuỗi cung ứng, quản lý 32.000 nhân công và xuất khẩu xe đạp đến khắp nơi trên thế giới. Những công ty này rải rác xung quanh Đài Trung, thành phố lớn nhất đảo quốc với hơn 2,8 triệu người sinh sống.
Một nửa các công ty cung ứng tập trung ở phía Nam, vùng Chương Hóa, xung quanh Merida. Nửa còn lại quây xung quanh nhà máy mang tính lịch sử của Giant ở phía Bắc. Trong 1992, hãng sản xuất dụng cụ thể thao Pháp, Decathlon, ấn định vị thế của họ cách xa hai đối thủ nặng ký này, với chuẩn mực chất lượng của riêng họ.
Decathlon hiện là một trong những khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất Đài Loan, nhưng không chỉ có vậy: Jean-François Guislain, người đứng đầu Decathlon ở Đài Trung, còn giám sát 19 cửa hàng và nhiều văn phòng sản xuất.
Tuy nhiên, xe đạp không phải là phát minh của người Đài Loan, thậm chí không phải là một truyền thống. Bảo tàng Văn hóa Đạp xe do Yang Liu thành lập – hay còn được gọi là King Liu, người sáng lập hãng Giant – ghi công những nhà phát minh châu Âu là cha đẻ cho chiếc xe hai bánh lâu đời nhất được trưng bày ở bảo tàng này. Đơn cử, "draisienne" - một chiếc xe đạp không có bàn đạp, được thiết kế vào năm 1817 bởi nam tước người Đức, Karl Drais von Sauerbronn. Chuyến tham quan trong bảo tàng tiếp tục kể đến chiếc xe đạp bưu điện từ Nhật Bản. Tsou giải thích: “Vào những năm 1960, xe đạp vẫn còn được nhập khẩu từ Nhật Bản”.
Cơ hội và thử thách
Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973, ngành công nghiệp sản xuất xe đạp tại Đài Loan tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tiếp theo và dần chuyển tầm mắt sang xuất khẩu.
Năm 1972, Liu thành lập tập đoàn Giant và đối thủ của ông là Ike Tseng, thành lập Merida. Thời điểm của họ là hoàn hảo. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã giúp thị trường cất cánh. Yu Cheng Cheng, Giám đốc sản xuất của Decathlon cho biết: “Nó đạt đỉnh điểm vào khoảng 1986-1987, với hơn 10 triệu chiếc xe đạp được sản xuất mỗi năm tại Đài Loan”. Cũng trong thời kỳ này, nhà bán lẻ miền Bắc nước Pháp đã thiết kế mẫu xe đầu tiên và gia nhập thị trường.
Giant và Merida dần dần nâng tầm chuẩn mực chất lượng trong ngành. Tại bảo tàng, họ trưng bày những mẫu xe ban đầu, nhiều điểm yếu, như mẫu xe đạp bằng sợi carbon đầu tiên của Giant. Nhưng những nhà sản xuất Đài Loan không muốn giấu giếm những thất bại của họ, và nói rằng chúng giúp họ tạo nên sản phẩm thành công.
Trong những năm 1990, xe đạp leo núi trở thành một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, doanh số xe đạp đạt 7,5 triệu chiếc mỗi năm. Thời kỳ vàng son này cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc đại lục, với các sản phẩm giá rẻ hơn rất nhiều. Ảnh hưởng của cạnh tranh khiến doanh số xe đạp Đài Loan xuống dưới 5 triệu chiếc trong những năm đầu 2000.
Để đối phó, đến 2003, những nhà lãnh đạo của Giant và Merida quyết định tập hợp khoảng 20 công ty xung quanh họ thành một liên minh gọi là “A-Team”. Các đối thủ từng cạnh tranh đã bắt tay hoạt động cùng nhau để nâng tầm sản phẩm của họ, tập trung vào phát kiến nhiều hơn.
Liên minh “A-Team” này bao gồm Velo, hãng sản xuất yên xe hàng đầu thế giới; KMC, với 80% thị phần trong phân khúc xích xe đạp trên toàn thế giới; Wellgo, hãng sản xuất bàn đạp; Maxxis, nhà cung cấp lốp xe; Tektro, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Shimano trong lĩnh vực phanh; và SRAM, chuyên gia về derailleur (bộ bánh răng số) của Mỹ.
“Chuỗi cung ứng giá trị ngành sản xuất xe đạp được chia làm nhiều bộ phận. Mỗi công ty tham gia phải là chuyên gia đứng đầu trong phân khúc của riêng họ và phải vượt bậc trong việc nghiên cứu phát triển” - theo lời kể của Gary Chien, nhà sáng lập Dosun, hãng chuyên sản xuất đèn xe.