Doanh nghiệp điện tử Việt Nam yếu thế, thường bị chèn ép đơn hàng
(DNTO) - Đại diện ngành cho biết, vị thế của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng còn yếu, nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Phải làm những đơn hàng “xương xẩu” nhất
Chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 sáng 15/7, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 49 tỷ USD, chiếm 31,61% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Sau 10 năm, ngành điện tử Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đứng thứ 2 toàn cầu trong xuất khẩu điện thoại không dây (chỉ sau Trung Quốc), đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính và linh kiện.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết ngành điện tử vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Rõ rệt nhất là khi kinh tế toàn cầu suy yếu từ cuối năm ngoái và đầu năm nay khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Các doanh nghiệp điện tử Việt chủ yếu xuất khẩu hàng tiêu dùng nên ngay lập tức ngấm đòn.
“Có doanh nghiệp phải cắt giảm tới 70% lao động, kể cả lao động lâu năm, có tay nghề. Nhiều doanh nghiệp cũng cố gắng tìm kiếm đơn hàng mới nhưng rất bấp bênh, không ổn định, giá trị cũng không bằng đơn hàng cũ”, bà Hương cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu lao động có tay nghề, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao. Vì vậy, họ luôn bị chèn ép, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI ở những đơn hàng lớn, giá trị cao. Đây là thiệt thòi cho doanh nghiệp điện tử trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng với một vị thế thấp kém, nhỏ bé, quá ít cơ hội.
“Cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp FDI luôn được ưu tiên, còn doanh nghiệp của ta luôn được giao những đơn hàng ‘xương xẩu’ nhất, thời hạn thanh toán, các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn”, bà Hương nói.
Vị này cho biết, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút FDI trong ngành công nghiệp điện tử là lao động. Tuy nhiên, lợi thế này sắp mất đi vì lực lượng lao động của ta hiện nay lão hóa rất nhanh. Độ tuổi lao động trung bình tăng lên. Ngay cả việc tuyển dụng những lao động phổ thông hiện nay cũng rất khó.
“Trong các chiến lược của chúng ta luôn nhắc tới lợi thế cạnh tranh là nguồn lao động chất lượng cao. Nhưng các chuyên gia kinh tế nước ngoài không quan niệm như vậy, họ chỉ yêu cầu lao động đã qua đào tạo, có tay nghề. Bởi quan niệm chất lượng cao của ta so với tiêu chuẩn họ chưa chắc đã cao. Vì vậy tôi mong các nhà chính sách phải có đánh giá đúng để có chiến lược phù hợp”, bà Hương nói.
Một thị trường ngách đầy tiềm năng
Việt Nam hiện có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành điện tử, doanh nghiệp trong nước chiếm 54,8% và FDI chiếm 45,18%. Tuy nhiên, trên 90% lao động và doanh thu ngành điện tử thuộc về khu vực FDI (NCIF, 2022).
Dù khó để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, doanh nghiệp điện tử Việt Nam có cơ hội phát triển và vươn lên ở một số thị trường ngách như máy bay không người lái hạng nhẹ (drone tầm gần) hay camera an ninh...
Phân tích chi tiết, ông Thành cho biết năm ngoái, thị trường drone tầm gần toàn cầu năm đạt giá trị hơn 63 tỷ USD, chủ yếu là Trung Quốc sản xuất (chiếm 80%), cùng với một vài quốc gia khác như Israel, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có thể sản xuất. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ ngày càng hạn chế nhập khẩu sản phẩm điện tử từ Trung Quốc. Đây là cơ hội và Việt Nam có thể xác định chiến lược phát triển sản phẩm này.
“Các kỹ sư và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn NDAA của Mỹ, tức là đạo luật quốc phòng, mà không cần phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, ông Thành phân tích.
Tương tự như với camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo, ông Thành cho biết doanh nghiệp điện tử Việt hoàn toàn có khả năng sản xuất và thế chân vào thị trường mà Trung Quốc để lại sau quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng.