Làn sóng FDI lần thứ 4: Để các 'đại bàng' dừng chân ở Việt Nam
(DNTO) - Làn sóng FDI lần này sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhưng cũng mang đến những yêu cầu khắt khe hơn về chính sách, hạ tầng, nhân lực với những nước mà nó đặt chân đến.
7 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ 1,7 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với phía các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc và Ấn Độ vừa qua, các “đại bàng” tiếp tục đề xuất đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong giai đoạn tới, nhằm mở rộng phát triển kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như cảng thông minh, dược phẩm sinh học, khai thác đất hiếm, bán dẫn... Có thể nói, Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang sắp xếp lại.
Tuy nhiên, Việt Nam dù có nhiều tiềm năng như chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt, nhân lực dồi dào.... nhưng cũng không phải lựa chọn duy nhất. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI đang diễn ra quyết liệt. Malaysia, Indonesia, Thái Lan... cũng đang tung ra những chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với các gói hỗ trợ lên đến nhiều tỷ USD để thu hút các “đại bàng”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận dù thu hút FDI của Việt Nam tăng trưởng nhưng số dự án công nghệ cao còn khiêm tốn. Nhiều “đại bàng” như Samsung, LG, Intel..., cũng thông báo tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc chờ đợi phản ứng chính sách của Việt Nam để quyết định đầu tư.
“Thách thức việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là liên quan đến sự ổn định của nguồn điện. Năm ngoái, một số nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp điện không ổn định ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ. Nhận thức được những khó khăn này, các nỗ lực toàn diện đang được thực hiện để giải quyết chúng. Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty liên quan đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa hè”, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ.
Việt Nam đang hướng tới thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao, vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư trong lĩnh vực trên cũng yêu cầu cao hơn với nơi mà họ đặt chân đến.
Ông Pulkit Abrol, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Kế toán Công chứng (ACCA), cho rằng không có khoản đầu tư nào được thực hiện mà không đòi hỏi nâng cấp quy mô nhân lực, hạ tầng để phù hợp với khoản đầu tư đó. Bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng không chỉ sau đại dịch do chuyển đổi kỹ thuật số, mà còn là sự gia tăng trong vòng 14-16 tháng qua về AI và học máy, tự động hóa đang được triển khai.
Vì vậy thách thức lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là ở ASEAN là kỹ năng. Khoảng cách kỹ năng giữa con người và công nghệ còn lớn. Nỗi lo sợ của các nhà hoạch định chính sách là làm sao nâng cao nền kinh tế, lực lượng lao động của mình để cạnh tranh với tự động hóa và robot.
“Có rất nhiều việc phải làm và việc hoạch định chính sách hiệu quả là bước đầu tiên. Trong đó, các chính phủ cần chú ý phát triển quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân để cùng tập trung hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực quan trọng, phát triển kỹ năng cho nhân lực”, ông Pulkit Abrol khuyến nghị.
Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là thu hút khoảng 150 - 200 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2021 – 2025. Con số này tăng lên khoảng 200 - 300 tỷ USD trong giai đoạn 2026 – 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đang đưa ra một loạt chính sách hấp dẫn như tăng tỉ lệ điện tái tạo sẽ vào khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và 67,5 - 71,5% vào 2050; đề án 50.000 nhân lực bán dẫn; chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi 5 luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật không còn phù hợp dưới hình thức một luật sửa nhiều luật.
Trong các buổi gặp gỡ với các “đại bàng”, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ ngành cũng khẳng định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực, tạo điều kiện cho các tập đoàn, nhà đầu nước ngoài yên tâm hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những chỉ đạo, hành động quyết liệt và rốt ráo của Chính phủ cần được lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ ngành, địa phương để quá trình thực thi, triển khai chính sách được thuận lợi, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” làm giảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách.