Bí quyết giữ chân nhà đầu tư FDI của một tỉnh đón gần 500 triệu USD trong đầu năm
(DNTO) - Để trở thành một điểm sáng trong thu hút FDI những tháng đầu năm, tỉnh này phải cam kết với các nhà đầu tư đảm bảo điều kiện về hạ tầng, nhân lực và môi trường đầu kinh doanh.
Cam kết và cam kết
Đứng thứ 3 trong Top 5 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm, với 462,67 triệu USD, Thái Nguyên tiếp tục được coi là điểm sáng trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên thừa nhận công tác thu hút đầu tư không phải màu hồng, có nhiều khó khăn mà mỗi địa phương đều phải nỗ lực cải thiện. Để thu hút FDI, tỉnh này phải cam kết hạ tầng phát triển đồng bộ, nguồn nhân lực có chất lượng và một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Vị này cho biết, hiện Thái Nguyên đang quy hoạch 12 khu công nghiệp, so với con số 5 khu công nghiệp trước 2020. Đặc biệt, tỉnh đã thay đổi trong cách làm là triển khai đồng bộ, trình tự về quy hoạch, để sẵn sàng “dọn tổ đón đại bàng” mới. “Sắp tới, chúng tôi trao chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư hạ tầng gần 5.000 tỷ đồng”, vị này tiết lộ.
Để đảm bảo nguồn lao động chất lượng, có trình độ, tay nghề cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, tỉnh liên kết với các trường đại học, liên kết giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội với các địa phương để đảm bảo chất lượng nhân lực cung ứng.
“Thái Nguyên có gần 12.000 lao động, chúng tôi đã đồng hành và tạo việc làm cho gần 6.000 lao động. Đáng chú ý, 70% lao động trên địa bàn tỉnh có trình độ đại học. Đây là những điều chúng tôi cam kết với nhà đầu tư”, ông Trung nói.
Một yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI là môi trường đầu tư kinh doanh. Bí quyết của tỉnh này là thường xuyên tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư tại chỗ, để giải quyết kịp thời những khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra là các cam kết về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.
“Từ đó FDI tăng lên liên tục. Chúng tôi đang xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”, vị này nhấn mạnh.
Chất lượng và sự hiệu quả
Là một doanh nghiệp xây dựng đang trong quá trình chuyển hướng hợp tác với các chủ đầu tư FDI, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch CTCP Xây dựng Coteccons, cho biết Việt Nam có nhiều cam kết ổn định. Tuy nhiên, sau 15 năm làm việc tại đây, vị này cho biết giấy phép vẫn là một trở lại lớn. Mặc dù khó khăn này đã được quan tâm tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tháo gỡ hơn nữa.
Thứ hai, các doanh nghiệp FDI khi đến Việt Nam đều lo lắng về chất lượng nhân sự, chất lượng của các nhà cung cấp. Trước đây, họ thường mang theo đội ngũ của mình đến Việt Nam, nhưng việc này đã ít dần.
“Những gì các nhà đầu tư đang lo lắng để giải quyết là cơ hội cho chúng ta tăng giá trị của mình. Trong 3 năm tái cấu trúc, Coteccons đã nhìn thấy cơ hội và dịch chuyển trọng tâm sang đón đầu làn sóng FDI. Doanh thu từ FDI của Coteccons đã tăng khoảng 50%”, vị này nói.
Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý và Tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu, HSBC Việt Nam cho biết không chỉ doanh nghiệp FDI mà tất cả doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào một nơi nào đó sẽ nhìn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô có ổn định hay không, với Việt Nam cũng vậy.
Do đó, chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả là yếu tố rất quan trọng. Các nhà đầu tư thường quan tâm chi phí và chi phí lớn nhất là nhân lực thì Việt Nam có cạnh tranh hay không hay có sẵn sàng về nguồn lực để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành công nghệ cao hay chưa.
“Khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư muốn sự hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vấn đề số hoá, quản lý đồng tiền, làm thế nào để đồng tiền tập trung hơn,…”, bà Thùy nói.
Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý 1 với nhiều điểm sáng tích cực. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Việt Nam đã chứng kiến làn sóng FDI tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm với hơn 4,29 tỉ USD tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn FDI giải ngân lên tới 2,8 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán, bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Dự báo của các tổ chức quốc tế như Fitch Rating, Bloomberg, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, mặc dù kinh tế thế giới vẫn khó khăn, chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính đầu tư lớn nhất của Việt Nam thấp, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, xu thế mới như số hóa, xanh hóa, công nghệ mới cùng sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu cũng giúp Việt Nam hưởng lợi lớn nhất với khi làn sóng các nhà đầu tư lớn dịch chuyển. Theo ông Thành, đây là cơ hội từng có mà kể cả doanh nghiệp, nhà đầu tư hay nhà điều hành chính sách cần nắm bắt để giúp doanh nghiệp, đất nước tiếp tục phát triển.