Những khu công nghiệp cũ sẽ khó hút FDI
(DNTO) - 80 - 85% các doanh nghiệp FDI đều đề cao yếu tố bền vững khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy. Điều này buộc khu công nghiệp phải tiến hành “xanh hóa”.
Những năm gần đây, mỗi năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Đây là con số không nhỏ đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Nhưng, dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện nay cũng kèm theo những tiêu chí gắt gao hơn.
Nghiên cứu mới đất của Savills ghi nhận có tới 80 - 85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều ưu tiên các yếu tố bền vững, đặc biệt là các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy.
Việt Nam đã thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái. Tính đến năm 2023, Việt Nam có 7 khu công nghiệp sinh thái trên cả nước, bao gồm: Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (Cần Thơ), Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (Hải Phòng) và Amata (Đồng Nai). Số lượng khu sinh thái chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng số khu công nghiệp cả nước. Trong bối cảnh yêu cầu “xanh hóa” ngày càng khắt khe buộc các khu công nghiệp chuyển đổi, phát triển theo mô hình xanh, sinh thái.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng hiện nay là cơ hội để chúng ta chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Bởi những công nghệ lạc hậu, phát thải lớn thường gắn với chất lượng sản phẩm không cao.
Nhưng tồn tại cũ ở các khu công nghiệp giải quyết như thế nào. Ông Chinh nêu kinh nghiệm của Trung Quốc là họ chuyển dịch từ phía Đông về phía Tây, thậm chí loại bỏ những khu công nghiệp cũ. Với Việt Nam, có thể tính toán đến khả năng chuyển dịch các vùng kinh tế, vùng công nghiệp. Tuy nhiên việc này lãng phí nguồn vốn đầu tư rất lớn từ ban đầu. Vì vậy có thể tính đến chuyển dịch tại chỗ từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch hơn. Điều này đặt ra yêu cầu về quy hoạch.
“Hiện nay ngoài các khu công nghiệp, vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề rất bức bách. Ở Bắc Ninh vừa rồi đã thử quy hoạch nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Muốn quy hoạch phải có cơ chế liên quan đến đất đai để đưa về khu vực tập trung, cùng xử lý. Trước đây gặp vấn đề là khu công nghiệp “xôi đỗ” (nhiều ngành nghề, lĩnh vực cùng hoạt động trong một khu) nhưng đây là cơ hội để quy hoạch lại khu riêng biệt (khu thực phẩm, dệt may…) như vậy sẽ dễ dàng trong việc quản lý và xử lý nước thải, chất thải”, ông Chinh nói.
Vị này cho rằng các khu công nghiệp sinh thái cần được hỗ trợ hàng triệu USD để trở thành khu công nghiệp tuần hoàn. Giống như nước Nhật, các khu công nghiệp tuần hoàn phát thải bằng 0, từ phát thải nước, khí thải, chất thải rắn đều được thu hồi và tái sử dụng thành nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động kinh tế khác.
Muốn làm được như vậy, theo ông Chinh, các địa phương cần bám vào nhiệm vụ, mục tiêu trong Quyết định 689 đã nêu, vì việc chuyển đổi không chỉ liên quan đến biến đổi khí hậu mà còn liên quan cả vấn đề kinh tế, xã hội.
Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng cần có các chính sách ưu đãi tốt hơn để các doanh nghiệp, khu công nghiệp có động lực thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động.
Bên cạnh đó, khung pháp lý của khu công nghiệp chỉ mới dừng ở mức nghị định, rải rác trên nhiều Luật khác nhau. Cần thúc đẩy sớm ra đời Luật khu công nghiệp để có hành lang pháp lý vững chắc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Hiện Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng Luật khu công nghiệp và sẽ sớm triển khai để giúp hoàn thiện hơn quy định chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp, giải quyết vướng mắc và tạo tiền đề cho bất động sản khu công nghiệp Việt Nam tăng tốc trong kỷ nguyên mới.