Những doanh nghiệp muốn thu tiền tỷ từ chất thải: Vẫn mong chờ ‘củ cà rốt’

(DNTO) - Việc Việt Nam chưa công nhận rác thải, nước thải là tài nguyên và thiếu chính sách cho kinh tế tuần hoàn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tái chế rác thải, nước thải, phế phẩm từ sản xuất.

Chỉ riêng việc xử lý tốt nước thải cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: T.L.
Câu chuyện từ thực tế
Trong diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”, hôm 25/9, TS Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, chia sẻ những ví dụ thực tế từ doanh nghiệp khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, thể hiện ở việc tiết kiệm tài nguyên trên 4 khía cạnh chính là vật liệu, nước, năng lượng, chất thải.
Ví dụ tại doanh nghiệp dệt nhuộm hiện nay có thể tái sử dụng 60% lượng nước thải, nhờ lắp đặt hệ thống phụ trợ RO với công suất 500 m3/ngày đêm. Hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt, với chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có thêm doanh thu 14,4 tỷ đồng mỗi năm nhờ việc giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải.
Doanh nghiệp này thực hiện tuần hoàn tái sử dụng nước thành công nhờ vào 2 sức ép. Sức ép của nhãn hàng dệt may hiện nay đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng tại châu Âu và Mỹ với các tiêu chuẩn xanh. Sức ép thứ 2 đến từ nhu cầu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp hiện nay.
Nhưng để thực hiện việc này cũng có rất nhiều rào cản về công nghệ, pháp lý. Ví dụ mỗi năm doanh nghiệp sẽ đăng kí với cơ quan môi trường lượng nước thải cố định. Nhưng khi doanh nghiệp muốn tuần hoàn lại nước thải thì sẽ phải làm thủ tục thay đổi, đăng kí lại với cơ quan quản lý môi trường.
“Việc thay đổi giấy phép tốn rất nhiều thời gian. Cơ quan quản lý lý nhà nước cần rà soát lại chính sách và gỡ bỏ các rào cản thủ tục pháp lý rườm rà để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện sản xuất bền vững, cộng sinh và tuần hoàn”, ông Thịnh nói.
Hay khu công nghiệp Amata ở Việt Nam, là một trong 3 khu công nghiệp sinh thái ở nước ta. Các khu công nghiệp sinh thái sẽ phát triển theo mô hình tuần hoàn, tức chất thải của doanh nghiệp này sẽ trở thành nguyên, nhiên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác trong chính khu sinh thái đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong cùng khu sinh thái có thể sử dụng chung nguồn lực, hạ tầng, tài nguyên, nhằm giảm chi phí và tiết kiệm.
Amata đồng thời cũng phát triển khu công nghiệp kinh tế tuần hoàn ở Thái Lan và rất thành công, nhưng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn...
Cần “củ cà rốt” trước khi có “cây gậy”

Doanh nghiệp không ngại đầu tư xanh hóa nhưng họ cần có chính sách rõ ràng, đầy đủ để hỗ trợ. Ảnh: T.L.
TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện đã hình thành một số khu công nghiệp sinh thái, tuy nhiên chủ yếu dành cho các doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được. “Đơn giản nhất là việc thu gom rác thải vẫn rất khó làm được, vì vậy cần hệ sinh thái về hạ tầng”, ông Huân nói.
Vị này cũng khuyến nghị trong quá trình nghiên cứu rà soát, sửa đổi chính sách có thể cân nhắc đến hình thành Luật về kinh tế tuần hoàn, vì ngoài “củ cà rốt” (chính sách thưởng) thì cần có cả “cây gậy” (chính sách phạt).
Thừa nhận một số mô hình tuần hoàn bên trong doanh nghiệp được thực hiện thành công, nhưng Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam cho biết khi bước ra bên ngoài, tức tạo mô hình tuần hoàn doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khu công nghiệp thì còn rất khó khăn. Nguyên nhân do pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể; ngoài ra là niềm tin vì khi kết nối với nhau sẽ liên quan đến lợi ích của các bên. Vì vậy trước khi có chính sách “cây gậy”, cần làm tốt việc cho các “củ cà rốt”.
“Doanh nghiệp họ nói rằng họ chưa cần hỗ trợ vốn nhưng họ cần hỗ trợ về chính sách. Vì bản thân họ đã làm và thành công nhưng khi muốn nhân rộng thì lại vướng về chính sách”, ông Thịnh nói.
TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết hiện kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã trình Chính phủ xem xét. Kế hoạch hành động quốc gia mang tính chất hỗ trợ, thúc đẩy, tạo động lực, cơ chế để các doanh nghiệp phối hợp với nhau làm tốt việc tái tuần hoàn chất thải. Sau khi các doanh nghiệp phối hợp với nhau thì tiến tới sẽ là các ngành, các lĩnh vực phối hợp với nhau, đem lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp và sau đó là nhà nước.
“Sau khi kế hoạch được Chính phủ thông qua sẽ triển khai tốt trên thực tế. Bởi theo ông Dung, bản chất kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích quốc gia chỉ một phần. Với doanh nghiệp, những gì mang lại lợi ích thiết thực cho họ thì họ sẽ hào hứng làm. Nếu các bộ ngành, địa phương cùng ra các kế hoạch hành động thì sẽ tạo ra hiệu ứng trong xã hội, thúc đẩy các giải pháp tốt về kinh tế tuần hoàn”, ông Dung nói.