Tái chế bao bì: Một số doanh nghiệp vẫn trông chờ chính sách

(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc đầu tư tái chế sớm có thể khiến họ phát sinh nhiều chi phí khi chưa có quy định xác định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Thời gian tới, các doanh nghiệp không thực hiện tái chế sẽ phải đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Ảnh: T.L.
Thách thức cho cả doanh nghiệp sản xuất và tái chế
Tại tọa đàm “Thực hiện mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ (EPR): Từ chính sách và thực tiễn” hôm 24/6, bà Chu Kim Thanh – Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam (mạng lưới gồm 26 công ty sản xuất tiên phong trong việc thực thi tuần hoàn), cho biết đến 2023, các thành viên của PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế 7 loại vật liệu, với khối lượng gần 14 nghìn tấn và dự báo số lượng thu gom năm nay sẽ lên tới 70 nghìn tấn. Tuy nhiên, có 2 loại vật liệu mà mạng lưới này mong muốn thu gom là bao bì sắt và bao bì thủy tinh, nhưng trong nước vẫn chưa có công nghệ xử lý.
Cũng theo bà Thanh, một số doanh nghiệp tiên phong trong việc thu gom và tái chế chất thải, tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp vẫn trông chờ vào việc xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs) được thông qua mới tiến hành đầu tư.
“EPR chắc chắn sẽ phải thực hiện nhưng doanh nghiệp vẫn chờ Fs vì họ lo ngại rằng nếu bỏ tiền đầu tư thu gom, tái chế quá sớm nhưng quy định chậm trễ ban hành sẽ ảnh hưởng tới khoản đầu tư của họ”, bà Thanh nói.
Hiện nay, một số các doanh nghiệp lớn cũng tiên phong trong thực hiện EPR. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam, cho biết để thu gom vật liệu theo đúng yêu cầu, công ty phải có chiến dịch hỗ trợ cho đội ngũ thu gom không chính thức. Ngoài ra, việc thu gom và tái chế cũng cần có quy trình rõ ràng để mỗi chai nhựa, bao bì sản phẩm bán ra sẽ được thu lại tái chế nhưng không làm tăng giá thành sản phẩm.
Thách thức với các doanh nghiệp làm sao đảm bảo việc tái chế bao bì, không gây hại ra môi trường nhưng vẫn phải đảm bảo giá thành mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được, không tạo sức ép lên người tiêu dùng. Ngay cả với Coca-Cola, đây cũng là bài toán khó.
Việt Nam chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng gây khó khăn cho đơn vị tái chế. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững – Công ty Cổ phần Nhựa Tái chế Duy Tân, cho biết mỗi ngày công ty thực hiện thu gom 180 tấn nhựa. Nhưng ở Việt Nam việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện, dẫn đến rác lẫn rất nhiều tạp chất, tỷ lệ hao hụt khá cao.
“Trong 100 tấn thu gom chỉ có 65-70 tấn có thể tái chế thành chai nhựa tái sử dụng, còn lại tái chế thành sản phẩm thứ cấp. Những sản phẩm thứ cấp không nâng cao giá trị sản phẩm và không tạo vòng tuần hoàn cho sản phẩm”, ông Lê Anh cho biết.
Cần chính sách mở đường

Nhà tái chế cho rằng Fs thấp sẽ không đủ chi phí cho họ tái chế, trong khi nhà sản xuất cho rằng Fs cao sẽ làm tăng chi phí hàng hóa của họ. Vì vậy, Fs phải hài hòa lợi ích của cả 3 bên: nhà sản xuất, nhà tái chế và cơ quan quản lý. Ảnh: T.L.
Đại diện PRO Việt Nam cũng thừa nhận khó khăn nhất trong thực hiện EPR tại Việt Nam là thu gom. Ở Việt Nam dù chưa có nhiều đơn vị tái chế có công nghệ hiện đại, nhưng số lượng đơn vị tái chế có rất nhiều. Nhưng để việc tái chế hiệu quả thì quan trọng vẫn là chất lượng rác đầu nguồn, giảm chi phí cho các đơn vị thu gom, tái chế và bớt ảnh hưởng tới môi trường. Vì xử lý rác không được phân loại, quá nhiều tạp chất cũng tốn tài nguyên khác như nước, điện. Do đó, ngoài chính sách bắt buộc phân loại rác tại nguồn cũng cần xây dựng các trung tâm thu gom, để thu gom, sơ chế và trung chuyển.
Tuy nhiên, xây dựng các trung tâm phân loại rác tốn chi phí rất lớn, trong khi nguồn thu từ EPR chỉ hỗ trợ theo khối lượng thu gom được, như vậy sẽ khó cho các bên tư nhân nếu họ muốn đầu tư.
“Vì EPR chỉ hỗ trợ theo khối lượng thu gom nên có số lượng mới được lấy tiền, còn nếu chỉ mới là dự án sẽ không được lấy tiền. Vì vậy rất khó để xã hội hóa và khó thu hút tư nhân, buộc nhà nước phải đứng ra đầu tư. Vừa rồi, một đơn vị nghiên cứu thị trường đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện khảo sát về hành vi của người tiêu dùng trong việc phân loại rác thải. Kết quả cho thấy người dân có ý thức rất tốt trong việc phân loại, nhưng họ lo ngại rằng khi thu gom vẫn chồng các loại vào nhau như hiện nay sẽ không có giá trị.
Các công ty môi trường đô thị của nhà nước ở các địa phương hiện nay thu gom rất nhiều nhưng vẫn chỉ hướng tới việc xử lý rác thải, chưa hướng tới việc tái chế. Do đó nguồn thu cho các đơn vị tái chế có thể sử dụng được vẫn đến từ kênh không chính thức, những người lao động tự do, không gắn bó với nghề và cũng không lành nghề. Vì vậy làm thế nào để họ trở thành đối tượng được hỗ trợ bởi chính sách để họ gắn bó với nghề”, bà Thanh đặt vấn đề.
Liên quan đến việc xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì, ông Nguyễn Thi -Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa thực hiện điều tra, khảo sát hơn 70 đơn vị tái chế chuẩn mực, đúng quy cách bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Theo đó, sẽ căn cứ vào công nghệ trung bình trong tái chế sản phẩm bao bì, đạt quy cách tái chế tối thiểu theo Nghị định 08, từ đó xác định mức Fs có thể chấp nhận được đối với các nhà xuất nhập khẩu và các đơn vị tái chế.
Do EPR mới bắt đầu được thực hiện nên cơ quan chức năng đã áp dụng hệ số chi phí tái chế thực tế, tức hệ số điều chỉnh
“Như vậy chúng tôi đã thiên về nhà sản xuất, nhập khẩu, giúp họ có thể thực hiện được trách nhiệm của mình nếu không tự tái chế. Mục tiêu của EPR là thay đổi trách nhiệm của nhà sản xuất, thì họ phải thực hiện trách nhiệm của mình thông qua đơn vị được ủy quyền. Còn việc đóng tiền là phương án 2. Khi thị trường không đáp ứng được thu gom, tái chế với các vật liệu như pin, ắc quy, chúng tôi khuyến khích họ nộp tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để Bộ hỗ trợ thu gom tái chế với mức cao hơn. Còn các vật liệu như nhôm, nhựa... mà thị trường đã đáp ứng thì các công ty nên thực hiện trách nhiệm của mình thông qua đơn vị ủy quyền”, ông Thi nói.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm giữa các bên để hoàn thiện quy định về Fs. Theo đó, hiện định mức chi phí tái chế đã đạt được thống nhất giữa 3 bên gồm cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và nhập khẩu, nhà tái chế. Quy định về định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.