Chỉ một chai nhựa tiết lộ những khó khăn của doanh nghiệp khi tái chế

(DNTO) - Doanh nghiệp tìm cách thực hiện kinh tế tuần hoàn như tái chế rác thải hay các chai nước dùng một lần, nhưng gặp khó khi quy định chưa rõ ràng.

Ngay cả việc tái chế một rác thải đơn giản nhất là chai nhựa cũng chưa có quy định rõ ràng. Ảnh: T.L.
Muốn làm nhưng vướng cơ chế
Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam hôm 10/12, Công ty cổ phần Vikohasan cho biết đang thực hiện tái chế nhựa PET với công suất 200 tấn/ngày. Nguyên liệu đầu vào là các chai nhựa PET (chai nhựa dùng một lần được sử dụng phổ biến trên thị trường), đầu ra là xơ sợi sử dụng trong thú nhồi bông sofa, chăn ga gối đệm.
Tuy nhiên, thực trạng của Vikohasan hiện nay mới chỉ tái chế duy nhất ruột chai, còn nhãn và nút chai gần như chưa tái chế được. Nhãn buộc phải đem đốt. Còn việc tái chế nút chai là nhựa HDPE cũng khó khăn vì chưa tìm được đơn vị tái chế loại nhựa này.
"Chúng tôi đang làm việc với đối tác rất lớn như Nestlé và họ yêu cầu rất khắt khe trong việc tái chế chai nhựa PET. Nhưng chúng ta nói nhiều đến kinh tế tuần hoàn thì phải có các chính sách như tái chế rác thải hay trách nhiệm của nhà sản xuất, thiết kế sinh thái… rõ ràng để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp tái chế", đại diện Vikohasan nói.
Lấy ví dụ từ chai nước PET không dán nhãn ở Hội nghị INC 5 tại Hàn Quốc, ông Hoàng Thành Vĩnh, Quản lý chương trình Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, UNDP và cho biết đây là một cách làm đơn giản để hạn chế việc nhãn đó bị xả thải ra môi trường.
Vị này ủng hộ nên có quy định cụ thể về mặt thiết kế. Ví dụ iphone xuất sang châu Âu sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như cổng sạc sạc Type-C thay vì cáp Lightning như trước đây. “Nhưng rõ ràng để có thực hành này cần có quy định hết sức cụ thể”, ông Vĩnh nói.
Thực tế, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào các dòng chất thải (nhựa, kim loại), với các ngành công nghiệp thì tập trung vào chế biến lương thực thực phẩm, sắt thép, xi măng, dệt may; sử dụng đất trong nông, lâm nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải…
Tất cả lĩnh vực này quan trọng hàng đầu là thiết kế. Vì trong cả chuỗi sản xuất, đây là khâu quan trọng nhất để đạt mục tiêu kinh tế tuần hoàn. Nhưng ông Thọ cũng cho biết hiện các quy định về thiết kế sinh thái vẫn đang nằm ở giai đoạn nghiên cứu.
Việc chưa có quy định cụ thể về tiêu chí thiết kế, sản xuất, tái chế khiến doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Ông Lâm Du An, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất và công nghệ Sabeco cho biết một số doanh nghiệp đang sử dụng lò đốt dầu, tức đang sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Họ muốn chuyển dịch qua lò đốt trấu, năng lượng biogas thì phải làm lại ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường). Nhưng việc thực hiện ĐTM rất khó khăn.
Hoặc chất thải như bùn thải từ quá trình sản xuất bia. Sabeco cho biết đã đem đi nghiên cứu ở khắp nơi và đạt được chứng nhận là an toàn, hữu dụng cho cây trồng. Nhưng hiện chúng vẫn bị áp đặt là chất thải công nghiệp, tức chất thải độc hại của sinh hoạt.
“Tôi đưa vài ví dụ đó để cho thấy nhiều cơ chế, thủ tục hành chính để phát triển kinh tế tuần hoàn còn nhiều vướng mắc. Chúng ta cần điều chỉnh và thống nhất từ trung ương tới địa phương cho chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông An nói.
Động lực từ chính sách mới

Các chính sách đặc biệt dành cho khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp doanh nghiệp sớm thực hiện được mục tiêu tuần hoàn. Ảnh: T.L.
Nói về chính sách, cơ chế cần có hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Sabeco dẫn lại chính sách của TP.HCM năm 2015. Đó là các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học có thể giữ lại một phần lợi nhuận trước thuế để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thiết bị, công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Cùng năm đó, Sabeco đã sử dụng nguồn lực này để thực hiện một thay đổi là dùng máy lọc màng thay cho máy lọc bằng bột trợ lọc. Chi phí đầu tư 80 tỷ đồng cho 100 triệu lít bia. Điều này giúp giảm lượng đất trơ khai thác dùng làm bột trợ lọc và không xả ra môi trường.
“Muốn làm kinh tế tuần hoàn là phải đi đôi với ứng dụng khoa học kĩ thuật. Nhưng đây lại là bài toán đau đầu của doanh nghiệp vì liên quan đến đầu tư, chi phí. Chúng tôi đầu tư mất 80 tỷ thay thế hệ thống cũ vẫn đang dùng tốt, cùng theo chi phí vận hành gia tăng. Vì vậy Chính phủ nên có chính sách tương tự TP.HCM năm 2015 là quỹ khoa học nghiên cứu để giúp doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn”, ông An cho biết.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong việc giảm phát thải ở các khu công nghiệp tới đây có đề cập đến khái niệm cộng sinh công nghiệp, đây được xem là giải pháp kinh tế tuần hoàn và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
Chính phủ hiện cũng đã có quy định về tiêu chí các nhóm cộng sinh công nghiệp, chứng nhận mô hình khu công nghiệp sinh thái, do UBND cấp tỉnh cấp và Ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh sẽ cấp chứng nhận doanh nghiệp sinh thái cho các đơn vị đạt tiêu chí đó.
Đặc biệt, tại Luật 57 sửa 4 luật vừa ban hành sẽ có hiệu lực vào 15/1/2025, có những quy định về quy trình thủ tục đặc biệt cho các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái.
“Nếu doanh nghiệp chứng minh dự án của mình có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, thì quy trình thủ tục sẽ được đơn giản hóa, không phải thực hiện nhiều loại giấy phép đăng kí như trước đây mà nhà nước thực hiện cơ chế hậu kiểm”, bà Hiếu cho biết việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm hy vọng là bước đột phá trong việc giảm thủ tục hành chính khi doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.